Hành trình biên giới yêu thương – Ra đi là để trở về

(VOH) - Hướng đến chào mừng kỉ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 - tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc; động viên cán bộ chiên sĩ nơi biên giới xa xôi; cùng với đó nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, giúp văn nghệ sĩ có những trải nghiệm thực tế; trong những ngày tháng 5 đầy nắng, ban tuyên giáo Thành ủy TpHCM đã tổ chức chuyên đi về nguồn với hành trình “Biên giới yêu thương”.

Chuyến đi có sự tham gia của bà Thân Thị Thư, Ủy viên ban thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cùng hơn 60 văn nghệ sĩ Thành phố.

Hành trình biên giới yêu thương – Ra đi là để trở về

Tôi ngồi trước máy tính thật lâu, lòng ngổn ngang cảm xúc không thể nào sắp xếp được. Cũng như đêm ấy, khi bà Thân Thị Thư, Ủy viên ban thường vụ - Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM xúc động đọc lời cảm nhận trước tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên, nhiều người trong chúng tôi dù đã dằn lòng mà mắt cứ đỏ hoe.

Đoàn nhận lá cờ 54m vuông trên đỉnh cột cờ Lũng Cú.

Tiếng hát của NSƯT Tạ Minh Tâm cùng các anh em nghệ sĩ đã cất lên trong ánh trăng mờ ảo chen vào cây lá. Đó là đêm rằm tháng tư, nhưng trăng không sáng lung linh như những đêm mười lăm khác. Hẳn ánh trăng kia muốn nhường lại khoảnh khắc ấm áp khi chúng tôi dâng lên bia mộ các anh những ngọn nến tri ân, nén nhang lòng của bao thế hệ. Hay ánh trắng kia cũng muốn giúp chúng tôi giấu đi những giọt nước mắt nghẹn ngào.

Không thể nào diễn tả hết được cảm xúc lúc đó. Chỉ biết rằng khi ngôi mộ đầu tiên đập vào mắt tôi với tấm bia ghi: Liệt sĩ chưa biết tên thì tôi bật khóc.

Nghe bài viết tại đây.  

Tôi nhớ buổi sáng trước khi lên máy bay ra Hà Nội, nhà văn Bích Ngân có nói: chị đi nhiều lắm, đến nhiều nơi, Trường Sa cũng đi rồi, vậy mà chưa có chuyến đi nào nôn nao như chuyến đi này. Và tôi cũng vậy, trước đêm về Hà Giang tôi gần như không ngủ. Trong đầu tôi chỉ hình dung về những ngọn nến, mơ đến khoảnh khắc thiêng liêng của đêm Vị Xuyên.

Rồi cảm cảm xúc đó cứ đầy lên, đầy lên khi nhạc sĩ Thế Hiển ôm đàn thể hiện ca khúc Hát về anh, nhạc sĩ Lê Vinh Phúc ngân lên giai điệu từ trái tim Việt Nam, ôi Việt Nam; ca sĩ Thế Vĩ cất lên bài Màu hoa đỏ.

Tất cả chúng ta, thế hệ nối tiếp thế hệ đã không quên và chưa bao giờ quên những hy sinh mất mát của cha ông. Tất cả chúng ta đã luôn ghi lòng tạc dạ những máu xương các anh đã đổ xuống. Để hôm nay, khi trở về với biên giới yêu thương, trở về với vùng trời địa đầu Tổ quốc, chúng tôi như hiểu hơn, trân trọng hơn từng giọt máu linh thiêng còn lưu lại nơi này.

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài TNND TPHCM tặng quà cho Đồn biên phòng Lũng Cú.

Nhà thơ Phan Hoàng, phó chủ tịch Hội nhà văn TPHCM vừa trở về từ chuyến đi Trường Sa cũng cùng tham gia ngay Hành trình biên giới. Trong đêm Vị Xuyên anh đọc Gió dựng thành lũy biên cương, bài thơ anh viết trong 1 chuyến về nguồn cũng tại biên giới phía Bắc này.

Còn rất nhiều, rất nhiều cảm xúc không thể gọi tên tại đêm Vị Xuyên, đêm tri ân những anh hùng liệt sĩ. Thế nhưng, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến cột cờ Lũng Cú. Không thể quên giây phút thiêng liêng khi cả đoàn cất vang bài Quốc Ca trước bức phù điêu trên đỉnh Lũng Cú, nóc nhà linh thiêng của Việt Nam.

Không thể quên hình ảnh những văn nghệ sĩ trang nghiêm nhận lá cờ 54m vuông từ tay trưởng đồn biên phòng để hôn lên ấy bằng tất cả niềm kính trọng.

Không đếm xiết bao nhiêu gian truân

Cho mỗi cột mốc được cắm vào đất

Không biết bao nhiêu máu và nước mắt

Thấm đẫm hành trình mở mang cõi bờ!

Nhà văn Bích Ngân đã mở đầu bài thơ Biên giới như thế ngay dưới những bậc thang của cột cờ Lũng Cú. Mỗi chúng tôi, đều mang trong mình từng dòng cảm xúc riêng chung: vừa từ hào, trân trọng lẫn yêu thương về mảnh đất này.

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm và nhà văn Trần Nhã Thuỵ trước đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên.

Hà Giang, hơn một tuần chúng tôi trở về, mọi cảm xúc như vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Nhạc sĩ Thế Hiển, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, đạo diễn, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy…tuổi đã trên 60 vẫn bước những bước vững chãi trên từng bậc thang của cột cờ Lũng Cú.

Nhớ cái vẫy tay mà mắt đỏ hoe khi chúng tôi chia tay các anh bộ đội biên phòng. Nhớ ca sĩ Huỳnh Lợi hát Về đây đồng đội ơi trong nỗi xúc động nghẹn ngào dưới những hàng ghế khán giả.

Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn.

Hà Giang đã ngưng chiến trận.

Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn.

Đài hương 468 (bốn sáu tám) ta hội quân.

Tất cả những cảm xúc đó, tôi tin rằng, mỗi văn nghệ sĩ trong chuyến đi đều sẽ lưu lại tại một nơi trang trọng nhất của trái tim mình. Để rồi, mai đây chúng tôi lại mong muốn được trở về, cất cao lời hát vang vọng yêu thương tri ân các anh. Các anh ơi, ra đi là để trở về, như các anh, đã trở về nơi đất mẹ - Hà Giang!