Chỉ mới đây thôi, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết ngày 3/6 có tiếp nhận và điều trị cho một trẻ 4 tuổi trong tình trạng bị suy đa tạng, phải lọc máu. Một trẻ khác 7 tuổi đã chết khi được đưa tới viện.
Hai cháu nhỏ phải nhập viện cấp cứu sau khi được bố mẹ để cho cả hai tự chơi tại bể bơi trong một căn hộ nghỉ dưỡng trên địa bàn phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, ngày 1/6, tại khu vui chơi dưới nước thuộc quần thể khu du lịch Quảng Ninh Gate ở xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cũng xảy ra vụ đuối nước.
Nạn nhân là một trẻ 7 tuổi trú tại tỉnh Bắc Giang. Bé được lực lượng cứu hộ khu vui chơi tiến hành sơ cứu và đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều cấp cứu trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng chết não.
Rồi vụ bé trai bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong ở Thái Bình - một bi kịch đau lòng tái diễn với nguyên nhân chủ yếu từ sự tắc trách, không tuân thủ các quy định của người lớn.
5 năm trước, một vụ việc tương tự gây chấn động dư luận khi cháu L.H.L, học sinh lớp 1 Trường PTLC Quốc tế Gateway (Hà Nội) cũng tử vong vì bị tài xế bỏ quên trên ô tô đưa đón.
Mới chỉ vào hè nhưng tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), đuối nước là nguyên nhân gây ra tử vong cho trẻ em thứ hai chỉ sau tai nạn giao thông.
Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 15 - 19 chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến nhóm tuổi 5 - 14 tuổi, thấp nhất là nhóm từ 0 - 4 tuổi.
Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, năm 2023, thành phố ghi nhận hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra trong độ tuổi 0-16 tuổi.
Trong số đó, hơn 8.000 trường hợp tai nạn xảy ra tại nhà.
Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích lên đến 11%, chỉ sau các bệnh tim mạch (18%) và bệnh truyền nhiễm (15%).
Hiện nay, học sinh cả nước đang bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều phụ huynh không có sự trợ giúp từ người thân và phải chọn phương án để trẻ ở nhà một mình.
Dù với lý do bất khả kháng nhưng đây là lựa chọn khá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ bất kỳ ở độ tuổi nào.
Nếu không thể làm khác, cha mẹ cần trang bị cho trẻ kỹ năng xử lý tình huống cũng như các kiến thức an toàn cơ bản, phù hợp với độ tuổi của con.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách đề phòng các tai nạn thường gặp như: điện giật, cháy nổ, kỹ năng xử trí vết thương vết bỏng, hạn chế tiếp xúc với người lạ, cách thức tìm sự trợ giúp khi có vấn đề...
Phụ huynh cần để lại ít nhất một phương tiện liên lạc, lưu sẵn số điện thoại cha mẹ, người thân; nhờ hàng xóm để ý nhà khi có dấu hiệu lạ; lên kế hoạch hoạt động trong ngày cho trẻ và có biện pháp giám sát việc trẻ thực hiện kế hoạch.
Cố gắng hạn chế thời gian trẻ sử dụng các thiết bị màn hình để không bị “nghiện” khi kết thúc thời gian nghỉ hè.
Về đuối nước, theo các chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn này là do trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa đuối nước; trẻ thiếu sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc;
Môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ; nhiều nơi nguy hiểm, dễ gây đuối nước nhưng không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới;
Khi cho trẻ đi bơi, cha mẹ hoặc người lớn cần giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi. Tại các khu vực bơi công cộng, phụ huynh cần cho trẻ tắm ở nơi bảo đảm độ sâu an toàn, đúng lứa tuổi, có đủ phương tiện và nhân viên cứu hộ...
Ngoài tai nạn thương tích, trẻ em còn đối mặt với nạn bạo hành, xâm hại tình dục. Trường hợp bé gái 12 tuổi ở Thanh Trì (Hà Nội) bị xâm hại tới mức mang thai và sinh con mới đây là ví dụ điển hình, đáng báo động về vấn đề bảo vệ trẻ em.
Không chỉ bảo đảm an toàn về tính mạng và thể xác, bảo đảm an toàn về mặt tinh thần cho trẻ em cũng là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm.