Hỗ trợ 100.000 đô la Mỹ cho giải pháp đổi mới sáng tạo giảm phát thải

(VOH) - Việc xây dựng kế hoạch hành động cho TPHCM hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải vào năm 2050 căn cứ trên cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị Coop 26.

TPHCM đã xây dựng kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải (Net-zero city) đến năm 2050. Phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, cố vấn năng lượng Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TPHCM.

Hỗ trợ 100.000 đô la Mỹ cho giải pháp đổi mới sáng tạo giảm phát thải 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: Bộ Công thương

*VOH: Thưa ông, xin ông giới thiệu rõ hơn nội dung triển khai của Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TPHCM ?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Dự án triển khai tại TPHCM là một nội dung hoạt động của tổng thể “Dự án an ninh năng lượng đô thị tại Việt Nam” do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ từ 2020-2024 ở Đà Nẵng và TPHCM.

UBND của hai thành phố đều đã có quyết định phê duyệt dự án. Tại TPHCM, UBND thành phố đã ủy quyền cho Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý các hoạt động triển khai. Thời gian dự kiến của dự án là 16 tháng.

Dự án có 3 mục tiêu chính: Tăng cường môi trường đầu tư thuận lợi ở địa phương, tạo điều kiện cho việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán và tiên tiến. Năng lượng phân tán có nghĩa là các dạng năng lượng có quy mô vừa và nhỏ, các nguồn gần được sử dụng và sản xuất tại chỗ, tăng cường lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội.

Mục tiêu thứ hai của Dự án là giúp huy động được nguồn lực của nhà nước và tư nhân đầu tư vào các hệ thống năng lượng phân tán và tiên tiến.

Thứ ba là đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ, tập quán, những mô hình kinh doanh và đầu tư sáng tạo mang tính đột phá tại Việt Nam, tại hai thành phố lớn Đà Nẳng và TPHCM.

*VOH: Thưa ông, để đạt được những mục tiêu vừa nêu thì cần triển khai Dự án trên cơ sở nào? Lộ trình thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Theo tôi, không thể thiếu vắng sự tham gia, chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông, xây dựng. Việc tăng cường môi trường đầu tư thuận lợi sẽ giúp cho khu vực tư nhân về nguồn lực để phát triển.

Chúng tôi hướng tới các mô hình đổi mới sáng tạo, những công nghệ mới giúp cho doanh nghiệp với chi phí hợp lý, thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng các công nghệ mới để giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính tại TPHCM.

Chúng tôi kêu gọi cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đang có các giải pháp sáng tạo, cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các khoảng tài trợ không hoàn lại, trị giá đến 100.000 đô la Mỹ và trao khoảng 20 phần tài trợ như thế cho các doanh nghiệp tư nhân có các giải pháp đổi mới sáng tạo.

*VOH: Thưa ông, để thực hiện được mục tiêu Dự án đề ra, giải pháp cụ thể nào để có thể vận động, kêu gọi được doanh nghiệp, người dân chung tay thực hiện hiệu quả nhất?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Dự án được tổ chức thành 3 hợp phần.

Thứ nhất là tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương. Tập trung hỗ trợ các cơ quan địa phương, trong đó có Sở Công Thương, để tăng cường thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại địa phương.

Đánh giá, phân tích, đề xuất các cơ chế hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp. Giúp họ nắm được hiện trạng tiêu thụ năng lượng ra sao; giải pháp giảm tiêu thụ năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn; khả năng có thể sản xuất được năng lượng sạch tại chỗ để sử dụng hay không?...

Hợp phần thứ hai tập trung vào huy động nguồn lực đầu tư. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực đầu tư vào triển khai hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến. 

Hợp phần thứ ba sẽ là các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ việc trình diễn, thương mại hóa, nhân rộng các công nghệ sáng tạo, các giải pháp thực hành, những mô hình kinh doanh, đổi mới đối với các giải pháp năng lượng đô thị phân tán tiên tiến.

Hiện nay, đã qua ba vòng tài trợ, một số giải pháp sáng tạo đã thực hiện thành công và chúng tôi đang tiếp tục hỗ trợ các giải pháp mới. Thậm chí có những giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 20% điện năng tiêu thụ.

Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội đưa các giải pháp sáng tạo này đến với khách hàng tiềm năng. Giới thiệu cách thức đầu tư và hình thức chia sẻ rủi ro để họ yên tâm khi thực hiện giải pháp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tiên tiến.

*VOH: Cảm ơn ông.