Hỗ trợ cho gia đình sinh toàn con gái liệu có mâu thuẫn với Luật Bình đẳng giới?

(VOH) - Tại Điều 25 trong dự thảo Luật Dân số, đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh, các chuyên gia đưa ra 4 biện pháp, trong đó có hỗ trợ bằng tiền cho các gia đình chỉ sinh con gái.

Quy định Hỗ trợ cho gia đình sinh toàn con gái trong dự thảo Luật Dân số liệu có mâu thuẫn với Luật Bình đẳng giới? (ảnh minh họa: Phương Dung)

Cụ thể dự thảo luật đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ sẽ quy định cụ thể đối tượng, mức hỗ trợ.

Theo cơ quan soạn thảo, đề xuất hỗ trợ người cao tuổi có con gái một bề được đưa vào trong dự thảo Luật Dân số nhằm giúp thay đổi quan điểm “trọng nam, khinh nữ”, hạn chế tâm lý chỉ thích sinh con trai.

Hai luồng ý kiến trái nhau

Tuy nhiên, không đồng tình với đề xuất trên của dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nếu coi hỗ trợ người cao tuổi có con một bề gái là một cách để giảm tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh thì sẽ không hiệu quả.

Bà Đặng Thị Kim Nhung – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tân Phú cho hay: Bản thân bà cũng sinh con một bề toàn là gái, nhưng bà không đồng tình với dự thảo này, nếu quy định hỗ trợ như trên sẽ bị hiểu lầm những gia đình sinh con gái là thiệt thòi, là ngồi mâm dưới; đồng thời cũng mặc nhiên công nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ là của con trai.

“Mình không ủng hộ việc đó, đã bình đẳng thì bình đẳng hết. Cha mẹ khi gả con gái rồi thì người con gái vẫn về báo hiếu. Ăn thua là tấm lòng của mình. Cây ngọt thì sinh quả ngọt. Đừng nói chỉ con trai mới nuôi cha mẹ còn con gái thì không, do đó tôi chưa hoàn toàn nhất trí. Mình đang thực hiện bình đẳng giới mà làm như vậy vô tình mình phân biệt, người nữ sẽ nghĩ là không bình đẳng hoặc sẽ suy nghĩ chắc từ xưa đến giờ người nữ không có hiếu nên bây giờ như vậy để phụ nữ có hiếu”, bà Nhung diễn giải.

Đồng quan điểm về vấn đề vừa nêu, bà Võ Thị Thanh Thủy – Phó chủ tịch Hội LHPN Quận 5 chỉ ra rằng, không chỉ con trai mới báo hiếu, chăm lo được cho cha mẹ thực tế chứng minh con gái cũng hoàn toàn làm tốt việc này. “Tôi thấy quy định không phù hợp, như dư luận xã hội thường nói 'nhà có hai thằng con trai đâu có nhờ được gì đâu, như nhà có con gái thì khi đau ốm còn chăm sóc cho mình'. Theo tôi nếu tính đến ở góc độ nhân văn ở chỗ là con gái lấy chồng sẽ theo chồng, còn ở nhà cha mẹ già không ai chăm sóc, còn bây giờ con gái vẫn chăm sóc cha mẹ vẫn tốt hơn con trai”, bàn Thủy nói.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình với quy định hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội vì cho rằng: hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề là cần thiết, nhưng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, phải tính toán những đối tượng và vùng miền nào cần hỗ trợ và đặc biệt cần xử lý thật nghiêm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Không để tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã khiến không ít thai nhi là gái không được chào đời, hoặc cố sinh cho được con trai đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy.

Một số ý kiến đồng tình với quy định

“Hiện nay, xã hội Việt Nam cũng vẫn còn ảnh hưởng định kiến ông bà để lại là trọng nam khinh nữ, có những cặp vợ chồng sinh con lại chọn giới tính, muốn có con trai để duy trì nòi giống, như vậy thì hỗ trợ cho con một bề mà có nữ không thì rất là phù hợp và để động viên các gia đình đừng có phân biệt nam nữ nữa, mà con nào cũng là con”.  

 “Làm sao để cân bằng giới tính thì biện pháp tốt nhất là làm sao phải nâng được vị thế người phụ nữ lên, để họ cảm thấy việc sinh con trai hay sinh con gái thì không còn là vấn đề quan trọng trong XH hiện đại hiện nay, như vậy sẽ thiết thực hơn”.

“Mình đồng tình với quan điểm là nên hỗ trợ để giúp cho người dân nhận thức được rằng nhà nước quan tâm để mình lồng ghép tuyên truyền".

Nhiều ý kiến không đồng thuận thì chưa đưa vào luật

Trao đổi với ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình  - Bộ Y tế, ông cho biết, hiện nay tốc độ già hóa dân số nhanh dẫn đến tỷ lệ người già ngày càng cao. Trên 70% người cao tuổi hiện nay đang sống dựa vào con cái, không có chế độ gì. Đặc biệt, mất cân bằng giới tính khi sinh đang rất nghiêm trọng.

Do đó, đề xuất trên được đưa ra cũng nhằm hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là gái, hướng tới mong muốn nâng cao vị thế của phụ nữ, để mọi người nhìn nhận, con gái cũng như con trai được quyết định cuộc sống gia đình, làm chủ gia đình.

“Thực chất đây là chế độ an sinh xã hội cho một trong trong những đối tượng người cao tuổi đặc thù gặp khó khăn vì không có chế độ BHXH, cũng là một trong những biện pháp giúp cân bằng giới tính khi sinh nhằm giải tỏa tâm lý cần phải sinh con trai để phụng dưỡng tuổi già, mà tâm lý này không thể một sớm một chiều dứt bỏ được vì chế độ an sinh XH của chúng ta còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu có nhiều ý kiến không đồng thuận thì điều khoản này cũng không nên đưa vào Luật Dân số trình Quốc hội trong thời gian tới”, ông Nhạc đề xuất.

Mặc dù quy định trên mang ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn, nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn về tính khả thi. Đặc biệt, nhiều ý kiến còn cho rằng bản thân quy định hỗ trợ cho gia đình sinh toàn con gái đã mâu thuẫn với Luật Bình đẳng giới.

Vì trong Luật này đã quy định nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, không bị phân biệt đối xử về giới tính, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Như vậy, với quy định hỗ trợ cho gia đình sinh con gái, dự thảo luật dân số có phù hợp với Luật bình đẳng giới?