Chờ...

Hoa Kỳ và Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác về khắc phục hậu quả chiến tranh

(VOH) - Sáng 5/12, lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin diễn ra tại Sân bay Biên Hòa và ký thỏa thuận triển khai một dự án 65 triệu đô la Mỹ nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Sáng 5/12, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) tổ chức lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa và ký thỏa thuận triển khai một dự án 65 triệu đô la Mỹ nhằm hỗ trợ người khuyết tật.

Hoa Kỳ và Việt Nam, khắc phục hậu quả chiến tranh

Lãnh đạo hai nước xúc đất tượng trưng để khởi công dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa 2

Tham dự sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ này có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại diện Lâm thời Hoa kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland; Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh Marie Damour và giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Lễ khởi công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và ký kết Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất thải da cam dioxin là dấu mốc quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện hóa nội dung trong Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hoa Kỳ; thể hiện quyết tâm của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong sự phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để giải quyết hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam và tin tưởng Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng Chính phủ Việt Nam xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường, hỗ trợ hiệu quả các hoạt động khắc phục hậu quả của chất độc hóa học đối với con người tại Việt Nam.

Ấn nút khởi công dự án và quan sát các thiết bị, máy móc của dự án

Đối với dự án xử lý ô nhiễm dioxin, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Hiện nay sân bay này có hơn 1000 ha, ô nhiễm rải rác khắp nơi. Chúng ta sẽ tập trung xử lý và đốt dần bằng các công nghệ mà 2 bên đã lựa chọn. Phạm vi dự án nằm trong sân bay là chủ yếu, nhưng ngoài sân bay thì có một khu vực, làng của người dân tỉnh Đồng Nai và chúng tôi đang tích cực vận động người dân để di chuyển họ đi chỗ khác, sẽ bóc toàn bộ đất ô nhiễm vào sân bay để xử lý sau và trả lại đất cho dân. Đồng thời ngăn chặn việc ô nhiễm dòng sông Đồng Nai là nguồn nước cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ".

Bà Caryn R. McClelland nhấn mạnh, không những hợp tác để giảm thiểu nguy cơ và đảm bảo an toàn cho cộng đồng xung quanh mà chúng ta sẽ còn một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt Nam – Hòa Kỳ trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một tương lai hữu nghị và thịnh vượng chung: "Đây là bước tiếp theo sau thỏa thuận đã ký vào hồi tháng 4 năm nay, hiện đây USAID sẽ đóng góp 183 triệu đô la Mỹ để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp đó là giải hấp nhiệt đất ô nhiễm dioxin để đem lại môi trường trong sạch. Khối lượng cần xử lý tại sân bay Biên Hòa gấp gần 4 lần so với khối lượng đã xử lý ở sân bay Đà Nẵng. Mục tiêu của chúng tôi là giảm nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho người dân và cộng đồng cũng như khu vực xung quanh sân bay".

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, chiến tranh ở Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm, song hậu quả chất độc hóa học đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái đến nay vẫn rất nặng nề. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài các điểm nóng ô nhiễm vẫn chưa được tẩy độc như tại khu vực sân bay Biên Hòa thì còn có trên 3,6 triệu hecta rừng đã bị hủy diệt, 4,8 triệu người bị phôi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó thế hệ thứ 2, thứ 3 là con cháu của những người đã bị phơi nhiễm vẫn phải gánh chịu những di chứng nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: "Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn về công nghệ xử lý; khối lượng, diện tích khu vực ô nhiễm lớn; nguồn tài chính chưa đáp ứng được thực tiễn; người bị ảnh hưởng chất độc da cam cần được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm hòa nhập đời sống xã hội…Chính phủ kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các tổ chức quốc tế và trong nước, để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh, đảm bảo an toàn về môi trường đất, môi trường sống cho người dân trên những vùng đất bị ảnh hưởng".

Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam đã bàn giao 37 hecta đất khu vực phía tây sân bay (khu vực Pacer Ivy) cho USAID để bắt đầu thực hiện các hoạt động thực địa trong khuôn khổ Dự án Xử lý ô nhiễm Dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Với hỗ trợ của USAID, các đội thi công đã xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để phục vụ dự án, đồng thời các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu được triển khai.

Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay, phối hợp với cơ quan chính quyền tỉnh Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay và sau đó là xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin. Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết khoản kinh phí 300 triệu đô la Mỹ để khôi phục môi trường cho sân bay và khu vực xung quanh và dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 10 năm.

Nhân dịp này, USAID cũng ký một thỏa thuận với NACCET về khoản tài trợ 65 triệu đô la Mỹ nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới. Cụ thể, USAID dự kiến sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam để củng cố hệ thống phục hồi chức năng của Việt Nam và các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo tất cả người khuyết tật đều có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội, đồng thời cải thiện toàn diện chất lượng cuộc sống của họ.

Cử tri Quận 8 băn khoăn tuổi nghỉ hưu cho nữ lao động: Sáng 5/12, Đại biểu Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cùng các Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đơn vị 10 có buổi tiếp xúc với cử tri Quận 8 sau Kỳ họp thứ ...

 

Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành GTVT: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đang ...