Chờ...

Hòa sóng để cùng phát triển

(VOH) - Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2015 của các Đài phát thanh, truyền hình TP trực thuộc Trung ương được tổ chức vào chiều 10/7 tại Đài TNND TP.HCM, lộ trình số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình mặt đất, cải thiện môi trường cạnh tranh công bằng giữa các cơ quan báo chí là hai nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm trao đổi.

Ông Võ Văn Long - Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông TPHCM phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của các Đài phát thanh, truyền hình TP trực thuộc Trung ương(Ảnh: Khiêm Huân)

Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lộ trình số hóa truyền hình ở Việt Nam sẽ trải qua bốn giai đoạn.

Trong đó giai đoạn một, 5 TP Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ sẽ phải chuyển từ truyền hình analog (bắt sóng truyền hình bằng ăngten) sang truyền hình số mặt đất hoàn toàn vào năm 2015. 

Việc chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ truyền hình analog sang truyền hình số là một quá trình phức tạp, có tác động xã hội rất lớn.

Theo tính toán sơ bộ, để chuyển đổi lên truyền hình số mặt đất, các đài truyền hình trên cả nước sẽ cần đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để nâng cấp về công nghệ và thiết bị. 

​Bên cạnh đó, việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ quan báo chí, các nhà cung cấp dịch vụ phát thanh – truyền hình cũng khiến nguồn thu của các Đài phát thanh, truyền hình địa phương sụt giảm rõ rệt.

Tổng Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hà Nội – ông Trần Gia Thái cho biết, giá quảng cáo của Đài liên tục phải thay đổi do phía doanh nghiệp tìm được nguồn phát quảng cáo với giá thấp hơn. Trong khi đó các đài phát thanh, truyền hình 5 TP trực thuộc Trung ương hoàn toàn phải tự cân đối thu – chi, không có cơ chế bao cấp nên càng gặp khó khăn.

Ngoài ra, phát thanh, truyền hình hiện phải cạnh tranh khá gay gắt với báo điện tử, nhất là các trang tin không chính thống. Do vậy, các Đài bày tỏ mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ sớm có những văn bản quy định, biện pháp quản lý sâu sát hơn nữa về vấn đề trên.

Cũng tại hội nghị, một số kinh nghiệm hay trong công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí đã được Đài TNND TPHCM, Đài Truyền hình và Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM chia sẻ với các đơn vị bạn.

​Công tác phối hợp truyền dẫn, phát sóng để nâng cao chất lượng làn sóng cũng là một giải pháp hay được đề xuất tại hội nghị. Vào năm 2009, Đài TNND TPHCM đã thực hiện phủ sóng kênh FM 99,9 Mhz ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với tần số FM 103,2 Mhz. Hiện nay, thời lượng các chương trình phát thanh của VOH trên kênh FM 99,9 MHZ được tiếp sóng trên kênh FM 96,3 MHz của Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng có thời lượng đến 13 giờ/ngày. 

Việc hợp tác đi từ hòa sóng phát thanh đến các nội dung nghiệp vụ như sản xuất, trao đổi chương trình, đặc biệt là dùng chung hạ tầng kỹ thuật sẽ giúp cho các Đài tiết kiệm đáng kể về chi phí đầu tư của nhà nước. Song song đó, có một thành tựu khác cũng rất quan trọng trong hợp tác, đó là giúp người dân, thính giả của mỗi TP và cả vùng lân cận có điều kiện nâng cao kiến thức kinh tế - xã hội, nắm bắt nhanh tình hình thời sự và nâng tầm thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật, đồng thời học hỏi nhau những kinh nghiệm hay, cách làm tốt qua sóng phát thanh. 

​ Trong 6 tháng cuối năm 2015, các Đài phát thanh truyền hình thuộc Cụm thi đua X thống nhất tập trung tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước như: 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9; tuyên truyền Đại hội Đại biểu Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng… Tăng cường tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, chú trọng nêu gương điển hình làm theo tấm gương của Bác. Chủ động phương án xử lý các trang thiết bị, cơ sở vật chất – kỹ thuật liên quan đến truyền dẫn, phát sóng, bảo đảm thực hiện đúng lộ trình số hóa theo Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Chính phủ.