028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571
Sự kiện:  Chính trị-Xã hội

Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai

(VOH) - Sáng 16/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo Báo cáo tóm tắt về Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) của Bộ NN&PTNT, quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh;

Quy hoạch nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.

Một số điểm mới nổi bật của Quy hoạch so với trước đây là cập nhật các dự báo về nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu; dự báo dài hạn các tác động của các hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế-xã hội tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và nội tại; 

Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai 1
Quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai. Ảnh minh họa

Quy hoạch cũng đề xuất các giải pháp lớn như các công trình khắc phục vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn, kiểm soát nguồn nước ở cửa sông, kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa, giải pháp tưới cho cây trồng cạn, nhất là các vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước...

Bộ NN&PTNT dự kiến tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch khoảng 471.000 tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh và khoảng 203.000 tỷ đồng cho 3 chương trình (cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn).

Kinh phí dự kiến được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quá trình đầu tư được thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tập trung đầu tư cho các giải pháp công trình lớn, dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, sẽ tập trung xây dựng mới các hồ chứa nước; xây dựng một số hệ thống kết nối, chuyển nước nội vùng, liên vùng, đưa nước ra vùng ven biển cấp nước đa mục tiêu, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao;

Nghiên cứu, xây dựng các công trình khắc phục hạ thấp mực nước trên dòng chính, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Bộ NN&PTNT cần lưu ý đến tính dự báo, tính định hướng, và thứ tự ưu tiên; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian sớm nhất có thể.