Hội nghị Khoa học Dược châu Á 2023: Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển ngành dược

VOH - Hội nghị Khoa học Dược châu Á (AFPS) năm 2023 với chủ đề “Hợp tác để đột phá trong khoa học dược” khai mạc sáng 8/11 tại Hà Nội.

Hội nghị chuyên ngành dược lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 8-10/11, do Trường Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Khoa học Dược châu Á và Trường Đại học Y Dược Hồ Chí Minh tổ chức.

Hội nghị diễn ra luân phiên 2 năm một lần giữa 24 nước thành viên của Liên đoàn.

Hội nghị năm nay ghi nhận 500 đại biểu tham gia trực tiếp và gần 100 đại biểu tham gia trực tuyến, trong đó gần 200 đại biểu đến từ 26 quốc gia. Có 350 báo cáo viên (oral và poster) tham gia thuyết trình tại hội nghị.

Hội nghị Khoa học Dược châu Á 2023: Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển ngành dược 1
Hội nghị khoa học Dược châu Á AFPS 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam - Nguồn: Báo Chính phủ

Tại phiên khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết qua số liệu của Báo cáo Nghiên cứu ngành Dược Việt Nam, tính đến năm 2022, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt gần 7 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng kép 10,6%. Tiền thuốc bình quân đầu người đạt 75 USD.

Việt Nam có 228 doanh nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, với 17 cơ sở được chứng nhận EU-GMP, tương đương EU-GMP và PIC/S-GMP.

Ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay mới chỉ gần cấp độ 3 khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm 90%, sản xuất được thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm.

Thị trường dược phẩm tương đối bình ổn. Giá thuốc tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển bền vững ngành này.

Hội nghị và các sự kiện bên lề là nơi chia sẻ, trao đổi kiến thức, cập nhật kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, cán bộ y tế, nhà sản xuất dược phẩm, hoạch định chính sách, hướng tới một hệ thống y tế bền vững, hội nhập, hoàn thiện về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Hội nghị cũng tập trung vào việc đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển thuốc và nguyên liệu thuốc; thúc đẩy hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược...

Tại hội nghị, các đại biểu báo cáo và thảo luận với 6 chủ đề thuộc các lĩnh vực chuyên ngành dược: Dược lâm sàng - Dược xã hội và Quản lý dược; dược lý và khoa học y sinh; nghiên cứu phát triển thuốc; bào chế và hệ thống phân phối thuốc; hợp chất tự nhiên và y dược học cổ truyền; phân tích dược, phân tích sinh học và tương đương sinh học.

Bình luận