Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM hoàn tất cáo trạng chuyển cùng hồ sơ sang TAND cùng cấp để đưa ra xét xử 254 bị can thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm ở TPHCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Các bị can bị truy tố về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Dự kiến, các vụ án này sẽ được TAND TPHCM đưa ra xét xử trong tháng 6.
Nhiều địa phương khác cũng đã chuyển hồ sơ vụ án đăng kiểm sang TAND để chuẩn bị xét xử trong hai tháng tới.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 900 đăng kiểm viên làm việc tại 112 trung tâm đã bị khởi tố, trong đó 291 người đang hỗ trợ kiểm định và đợi tòa án xét xử.
Trường hợp các đăng kiểm viên bị đưa ra xét xử đồng loạt vào tháng 6-7 sẽ gây thiếu hụt đăng kiểm viên, nhiều đơn vị phải đóng cửa. Điều này dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại 36 địa phương.
Dự báo tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nhất có thể xảy ra tại Hà Nội, TPHCM và Đồng Nai.
Ví dụ tại TPHCM, hiện có 18/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động với 42/45 dây chuyền, tổng số 146 đăng kiểm viên.
54/146 đăng kiểm viên bị khởi tố vẫn đang làm việc, tham gia hỗ trợ kiểm định. Trường hợp số đăng kiểm viên này bị xét xử đồng thời, sẽ có 3 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động, 15 trung tâm đăng kiểm hoạt động đáp ứng khoảng 83% nhu cầu kiểm định trong tháng (khoảng 48.960 xe).
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, 91 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động 3 tháng do Nghị định 30/2023 quy định đăng kiểm viên bị kết tội liên quan đến kiểm định xe cơ giới sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Trung tâm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ sẽ bị tạm dừng hoạt động 3 tháng.
Để giảm nguy cơ ùn tắc kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các địa phương giãn cách việc xét xử đăng kiểm viên.
Cục cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 với trình tự rút gọn, loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm.