Hơn 92% nạn nhân bị bạo lực gia đình là nữ

(VOH) - TPHCM đã hoàn thành cơ bản 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu liên quan đến sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là kết quả được báo cáo trong Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và 2 năm triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2012-2013” tổ chức sáng nay (12/3).
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: PNO

Các chỉ tiêu đáng chú ý như: Số lao động được giải quyết việc làm là hơn 870.000 người, trong đó nữ chiếm hơn 52% số người có việc làm ổn định; Tỷ lệ giới tính khi sinh của thành phố hiện nay là 106 trẻ trai/100 trẻ gái; Tỷ lệ biết chữ của nữ ở các huyện ngoại thành và vùng đặc biệt khó khăn là gần 99,7%... Ông Hứa Ngọc Thuận - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trong công tác cán bộ nữ của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: "Hiện nay, theo số liệu chúng ta đã đánh giá được trong 3 năm đó là  tỷ lệ nữ tham gia cấp Ủy Đảng, phường xã, thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015 vượt hơn 3%. Tỷ lệ Đảng viên nữ kết nạp thì vượt 4,4% so với kế hoạch 2015. Đội ngũ cán bộ nữ là cán bộ trẻ tuổi, làm cán bộ quản lý thì thành phố chúng ta vượt 52%…. Cán bộ lãnh đạo thuộc diện quy hoạch tham gia các Ủy của nhiệm kỳ 2016-2020, đang là công tác ở địa phương cũng vượt con số 30%".

 Một kết quả đáng kích lệ khác là số vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn thành phố cũng giảm qua từng năm. Bà Trần Thị Kim Thanh - Trưởng Phòng Bình Đẳng giới Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Năm 2012 xảy ra hơn 230 vụ, giảm gần 60% so với năm 2011; năm 2013 xảy ra 120 vụ giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nạn nhân là nữ vấn chiếm tỉ lệ cao với hơn 92%".

  Bên cạnh những thành quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện Chương trình chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn TPHCM vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Hiện TPHCM có hơn 2.300 người tham gia làm công tác bình đẳng giới, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM thì con  số này chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tế: "Đội ngũ cán bộ chuyên trách bình đẳng giới chưa được đào tạo bài bản. Cán bộ cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn lại luôn luân chuyển công tác hoặc kiêm nhiệm cùng một lúc quá nhiều ở các lĩnh vực, do vậy ảnh hưởng không ít đến hiệu quả chất lượng khi được cử đi tham dự các khóa tập huấn, đào tạo về chuyên môn trong thời gian qua".

Một số đại biểu cho rằng, trên thực tế nếu hiểu rõ về “Bạo lực trên cơ sở giới” thì các số liệu được công bố như phần nổi của “tảng băng chìm” vì nhiều đơn vị báo cáo còn mang tính hình thức hoặc sợ mất điểm thi đua mà không dám nêu con số thực tế. "Một cuộc khảo sát được thực hiện trong các nhóm tham gia dự án cho thấy: Có khoảng 5% đến 60 % các thành viên đều có vấn đề liên quan đến vấn đề bạo lực trên cơ sở giới cần được chia sẻ, hỗ trợ. Trong các báo cáo hoạt động của các đơn vị, hoặc là không thấy một số liệu nào hoặc là vài ba vụ liên quan đến bạo lực gia đình. Trường hợp nào thuộc dạng nghiêm trọng bùng nổ bởi các phương tiện thông tin đại chúng thì lúc đó mới được ghi nhận, báo cáo. Do vậy đây là một thách thức cũng cần phải nhìn nhận, đánh giá lại số liệu liên quan đến công tác này để có giải pháp triển khai các hoạt động truyền thông về bạo lực trên cơ sở giới phù hợp hơn trong thời gian tới".

Bên cạnh đó, một khảo sát về thực trạng và quan điểm người dân về thời gian tham gia công việc gia đình của phụ nữ và nam giới tại quận 3 và quận 10 cho thấy, thời gian làm việc nhà của nữ vẫn cao hơn nam. Trung bình nữ làm việc nhà 4,2 giờ/ngày, còn nam là 3,6 giờ/ngày. Hơn 80% đối tượng được khảo sát cho rằng công việc quan trọng trong gia đình vẫn là do nam quyết định.

Có đến 80% người dân trên địa bàn thành phố tham gia các cuộc khảo sát cho rằng, họ biết về Bình đẳng giới thông qua báo, đài. Điều này cho thấy sự góp sức rất lớn của các cơ quan truyền thông trong vấn đề tuyên truyền về bình đẳng giới. Đơn cử như, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM trong suốt nhiều năm qua đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 44 chuyên đề “Bình đẳng giới: Từ nhận thức đến hành động”, thực hiện các bài viết, tin tức đan xen trong các chương trình… thu hút hơn 67.000 lượt người nghe Đài. Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Trí - Phó Giám đốc Đài TNND TP nhấn mạnh: "Ban biên tập Đài chúng tôi đã xác định, bình đẳng giới là một vấn đề quan trọng, cấp thiết, cần có những ảnh hưởng sâu rộng và thường xuyên trong cộng đồng, dù việc tuyên truyền về bình đẳng giới đòi hỏi phải cần đầu tư nhiều hơn về công sức, trí tuệ và cả chi phí. Trong các phóng viên, biên tập viên của Đài, từng đội ngũ những người làm công tác về lĩnh vực này vẫn sẽ nỗ lực, phấn đấu, kiên trì để việc tuyên truyền này càng được hiệu quả cao. Góp phần thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi về bình đẳng giới của người dân, có như vậy chúng ta mới có thể hy vọng TPHCM trở thành một thành phố văn mình, hiện đại, nghĩa tình, trở thành một địa phương có thành tựu nổi bật về thực hiện bình đẳng giới trong cả nước".

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện 7 mục tiêu - 26 chỉ tiêu kế hoạch chương trình thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới nhưng sẽ có nhiều cải tiến và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế như: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước cho 85% cán bộ làm công tác Bình đẳng giới; triển khai các hoạt động thí điểm Mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động Bình đẳng giới”; “Lồng ghép giới trong chương trình giảm nghèo tăng hộ khá” tại quận Thủ Đức, quận 10 và quận 3 để có cơ sở nhân rộng các mô hình, hoạt động trên địa bàn thành phố.

Bình luận