Hỗn loạn vắc-xin dịch vụ - Hệ quả từ tâm lý dây chuyền

(VOH) - Thông tin hơn 140.000 liều vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế kiểm định xong và được phân phối ra thị trường khiến cho các bậc phụ huynh càng thêm nháo nhào, chen chân tìm một suất cho con em mình.

Đỉnh điểm là ngày 25/12 tại Hà Nội, hơn 500 người chen chúc bất chấp đêm hôm, gió rét chờ tiêm vắc-xin dịch vụ cho con gây nên một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có.

Đông đảo phụ huynh tập trung trước cửa Trung tâm Y tế Dự phòng chờ tới lượt vào chích ngừa cho con - Ảnh: TTO

Tại TP.HCM, tuy không rơi vào tình huống tương tự, nhưng tình hình khá nóng. Sáng 26/12, tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Trung tâm y tế dự phòng TP, rất đông phụ huynh đến đây xếp hàng chờ lượt tiêm cho con em mình. Dù biết tốn nhiều công sức và tiền bạc nhưng phụ huynh vẫn rất chịu khó ngồi chờ để tiêm vắc-xin 5 trong 1.

"Hồi giờ tôi không đi trạm y tế, tôi đến dịch vụ vì gần nhà, nhanh gọn và an toàn. Còn ở trạm y tế lâu mới có người tới khám, thuốc để như thế nào tôi cũng không biết nên không an tâm" - một phụ huynh cho biết.

Thậm chí lúc khan hiếm vắc-xin, những người có điều kiện còn bỏ ra một số tiền khá lớn chỉ để ra nước ngoài tiêm phòng cho trẻ. Số khác tận dụng các mối quan hệ từ tìm kiếm nguồn vắc-xin "xách tay" tự tiêm. 

Bác sĩ Bạch Thị Chín – Trưởng Phòng khám tham vấn và điều trị dự phòng – Trung tâm Y tế dự phòng TP cho rằng, những loại vắc xin từ nguồn trôi nổi vô cùng nguy hiểm cho tính mạng trẻ: "Triển khai tiêm chủng phải được thẩm định của cơ quan trách nhiệm. Tiêm chủng tại nhà hoặc những điểm tiêm tại phòng mạch là những điểm tiêm chưa được cấp giấy chứng nhận, rồi còn điều kiện xử lý phản ứng sau tiêm. Điểm tiêm không đảm bảo xử trí sốc phản vệ, tất cả đều đưa đến nguy hiểm cho trẻ".

Trong bối cảnh cung vượt xa cầu, có đơn vị không có chức năng mua bán vắc-xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1 cũng vào cuộc kiếm chác. Mới đây nhất, thanh tra Sở Y tế đã "tuýt còi" Công ty Cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn vì kinh doanh 230 liều vắc-xin không phép với giá một mũi tiêm là 2 triệu đồng. 

Nếu vụ việc trên không được phát hiện kịp thời thì chắc chắc rằng, hậu quả không nhỏ, có khi phải trả giá bằng sinh mạng của con trẻ. 

Là một chuyên gia nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực vắc-xin, PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur - phân tích, tình trạng người dân cứ trông chờ vào vắc-xin dịch vụ cũng bắt nguồn tâm lý dây chuyền. Trước tình hình này, hơn bao giờ hết, đòi hỏi cán bộ y tế cần nhìn nhận nghiêm túc: "Ví dụ chiến dịch tiêm sởi rubella vừa qua. Nhiều câu hỏi chưa rõ nguyên nhân thì khẳng định là tiêm nhầm. Nếu những việc đấy người bố người mẹ nghe sẽ dẫn đến tâm lý dao động rồi phản ứng dây chuyền.

Người cán bộ y tế cũng nên nhìn nhận nghiêm túc trước một mũi tiêm vì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa bé, còn ảnh hưởng đến ngành y tế, hệ thống y tế dự phòng và niềm tin của người dân".

Sự kiện 500 phụ huynh chen lấn nhau đến mức ngất xỉu để được tiêm vắc-xin dịch vụ, rồi chuyện ra nước ngoài tiêm phòng cho trẻ, hay chuyện xuất hiện một loại vắc-xin gọi là "xách tay"... là chuyện chưa từng có. Đó không chỉ đơn giản ở bài toán cung - cầu mà xuất phát điểm là niềm tin, từ đó dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông.

Để trấn an dư luận, đồng thời củng cố niềm tin cho người dân, đòi hỏi nhà quản lý phải hết sức nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu phân phối, đến việc tuân thủ quy trình tiêm chủng.

Nhằm chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, ngày 25/12, Cục Y tế dự phòng  - Bộ Y tế có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai tiêm chủng vắc-xin dịch vụ theo 4 yêu cầu: lập kế hoạch chi tiết về tiêm chủng vắc-xin phù hợp với số lượng vắc-xin Pentaxim được phân phối tại đơn vị, công bố công khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân biết, tổ chức buổi tiêm chủng theo đúng quy định, nghiêm cấm và xử lý nghiêm mọi hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ như tự ý nâng giá vắc-xin, tiêm vắc-xin tại nơi không đủ các điều kiện theo quy định.