Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019: Nhiều vấn đề nóng được đặt ra

(VOH) - Chiều 4/5, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

Thông tin về phiên họp Chính phủ diễn ra trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019; công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; và một số vấn đề khác…

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 và thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước ổn định, tiếp tục đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện. Cụ thể:

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

- Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/4/2019 tăng 3,23% so với cuối năm 2018; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.

- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định; đặc biệt ngành lâm nghiệp, thủy sản duy trì mức tăng khá (gỗ khai thác tăng 4,3%; diện tích rừng bị cháy giảm 6,27%; sản lượng thủy sản tăng 5,1%).

- Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ tăng 12,9%).

- Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.

- Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.

- Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Đây là những chỉ dấu cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta tiếp tục được cải thiện tốt hơn.

- Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.

- Thu ngân sách nhà nước duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển.

Họp báo Chính phủ, thường kỳ, tháng 4/2019

Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả nói trên, tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Trong nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi bước đầu hạ nhiệt, tuy vậy giá thịt lợn vẫn giảm so với tháng trước; sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm; nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm công nghiệp chủ đạo tăng thấp hoặc giảm như linh kiện điện thoại giảm 24,6%, dầu thô khai thác giảm 8,3%...; dẫn tới sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương giảm.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 17.000 doanh nghiệp, tăng 19,7%; 5.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 12,9%.

Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước giảm 30,6% (Bộ Giao thông Vận tải giảm 57,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 29,1%...).

Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm do xuất khẩu của khối FDI tăng chậm so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm như điện thoại và linh kiện giảm 0,2%; thủy sản giảm 1,3%; cà phê giảm 22,6%; hạt điều giảm 16,9%; gạo giảm 21,7%; hạt tiêu giảm 12%...

Xảy ra nhiều sự cố giao thông (xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đi ngược chiều trên cao tốc, sử dụng rượu bia, ma túy đá khi lái xe...).

Đồng thời, một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới như vấn đề y tế (bệnh sốt xuất huyết gia tăng, vấn đề quá tải bệnh viện); nợ đóng bảo hiểm xã hội; an ninh trật tự (buôn bán ma túy khối lượng lớn tăng mạnh trong thời gian qua trên khắp các tuyến biên giới, đã bắt nhiều vụ lớn nhất từ trước đến nay)…

Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả kiểm tra việc cắt giảm thủ tục hành chính thực chất và rà soát các vướng mắc cụ thể đối với sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Trong tháng 4 vừa qua, Tổ đã làm việc với 7 Bộ, VCCI và đại diện 5 Hiệp hội, ghi nhận 45 kiến nghị về cơ chế, chính sách, rào cản hành chính.

Trong đó, có 15 kiến nghị chưa đủ cơ sở để giải quyết, các Bộ và VPCP đã giải thích thỏa đáng. Có 02 kiến nghị liên quan đến 2 dự án Luật đang trình Quốc hội (Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Bộ luật Lao động sửa đổi). Có 16 vướng mắc do quy định tại các văn bản của các Bộ, đã có 08 vấn đề đã được các bộ xử lý, còn lại 08 vấn đề các bộ đều đã nêu phương án xử lý. Tổ công tác đề nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ hoàn thành việc xử lý các vướng mắc và thực hiện các cam kết ngay trong tháng 5/2019.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận được câu hỏi về việc đưa phương án tăng giá điện vào danh mục thông tin "mật".

Ông Hải nói dự thảo danh mục bí mật nhà nước của ngành Công thương có hai mặt hàng xăng dầu, điện, cụ thể là phương án để tính toán, trình cấp thẩm quyền trước khi công bố một cách chính thức. 

"Hiện giá bán xăng dầu đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng của người dân. Nên biến động giá xăng dầu liên quan trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát CPI. Đặc biệt xăng dầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân nên dễ dẫn đến lạm phát kỳ vọng tăng nên cần lưu ý", thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Tương tự, giá điện cũng có tác động không nhỏ đến chỉ tiêu lạm phát do Chính phủ điều hành, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, dễ đẩy lạm phát kỳ vọng, tác động không nhỏ đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ. 

"Chính vì vậy, bộ đã đề xuất đưa điều hành giá điện, xăng dầu vào danh mục bí mật nhà nước của ngành Công thương", ông Hải nói.

Tại buổi họp báo, Thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết về vụ gian lận thi cử thời gian qua, Bộ Công an và công an ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, và Hà Giang đã khởi tố 16 bị can, đến nay đã xác định 222 học sinh được nâng điểm.

"Chúng tôi đã chuyển kết quả này đến Bộ Giáo dục - đào tạo, bộ đang phối hợp với các trường đại học, các địa phương làm đúng quy định pháp luật về thi cử", ông Nam nói.

"Đến nay Bộ Công an đang tiếp tục điều tra các vi phạm cá nhân khác liên quan đúng quy định pháp luật. Sau khi có kết quả sẽ công khai đến dư luận". 

Bình luận