Hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững

(VOH) - Năm 2013, thành phố đã hoàn thành vượt mức kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 3 trước hai năm. Theo kế hoạch, đến năm 2015, số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/năm còn dưới 1%. Tuy nhiên, đến tháng 12/2013 thành phố đã hoàn thành mục tiêu này với con số ấn tượng: số hộ nghèo chỉ còn hơn 15.000 hộ, chiếm 0,7% số hộ dân. Từ thành quả kéo giảm số hộ nghèo, đồng thời với việc nâng dần tiêu chí nghèo, thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều và bền vững. Về vấn đề này, phóng viên Đài TNND TPHCM đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở Lao động TBXH - Phó Ban chỉ đạo chương trình Giảm nghèo - tăng hộ khá TP.HCM.




Tặng quà cho người nghèo. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thưa ông, vừa qua thành phố đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 sớm hai năm so với kế hoạch đề ra. Là người trực tiếp với công tác này, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm giảm nghèo của TP?

Qua kết quả này, chúng tôi cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình thực hiện. Trước hết, phải nói đến sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy - Ủy ban, ý thức trách nhiệm của lực lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã để tác động, hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là những người nghèo. Đây là những hộ nghèo cũng đã nhiều năm, có những hộ nghèo phải kinh qua 3 giai đoạn mới có thể vươn lên được. Đó cũng là một nỗ lực kiên trì của người nghèo trong việc tổ chức cuộc sống của mình.

Thưa ông, thành quả trên đã chứng tỏ được vai trò luôn đi trước và về đích trước của TP.HCM. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là với mặt bằng giá cả như hiện nay, thì những hộ dân vừa thoát khỏi mức thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng/người/năm cũng còn khá nhiều khó khăn trong cuộc sống, ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

Phải nói rằng ở TP.HCM, mức 12 triệu thì so với điều kiện mức sống cũng còn rất khó, tính toán theo trượt giá trong những năm qua thì thực chất 12 triệu đồng hiện nay chỉ bằng khoảng trên 7 triệu thời điểm năm 2009. Do đó, để họ có thể tự tổ chức cuộc sống thì cần tiếp tục có những hỗ trợ để họ yên tâm và giảm nghèo một cách căn cơ hơn. Để đảm bảo được việc này thì phải bằng những cơ sở cụ thể. Các phường xã phải nắm chắc được từng hộ nghèo, từng điều kiện hoàn cảnh, cũng phải xem xét khả năng họ có thể làm được gì để mình tính toán chuyện trợ giúp, làm sao để có sự cộng hưởng giữa ý chí vươn lên của người nghèo và tác động trợ giúp của thành phố, quận huyện, phường xã, sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể cũng như của cộng đồng xã hội thì họ mới có điều kiện vươn lên được.

Vâng, bên cạnh hỗ trợ cho những hộ nghèo theo tiêu chí mới thì TP vẫn còn 0,7% hộ nghèo có thu nhập dưới mức 12 triệu đồng, và họ sẽ gặp khó khăn hơn trong giai đoạn mới cũng như trong tình hình mặt bằng giá cả ngày càng cao. TP có những giải pháp gì để hỗ trợ đối với những hộ này, thưa ông?

Trong thời điểm sắp tới đây cũng sẽ có phân loại, rồi cũng phải tính toán để làm sao ưu tiên xem xét để tác động những hộ này để họ tiếp tục nâng lên mức trên 12 triệu trong thời gian, và đồng thời không để họ tái nghèo. Đây là một vấn đề tiếp tục nỗ lực của thành phố. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng có một số trường hợp hộ nghèo do điều kiện gia đình của họ, các thành viên nằm trong diện già yếu neo đơn, mất sức lao động, các điều kiện để tự tổ chức sản xuất, làm ăn hầu như là không có. Do đó, các địa phương cũng phải bằng những biện pháp là vận động để hỗ trợ bằng trợ cấp, để mức sống của họ không bị giảm sút, và việc trợ cấp này bằng cách vận động các mạnh thường quân, các cơ sở sản xuất có lòng hảo tâm, đỡ đầu cho những hộ này bên cạnh những chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Thưa ông, việc kết sớm giai đoạn 3 cũng đồng nghĩa với việc mở ra một giai đoạn mới phấn đấu giảm nghèo ở TP. Ở giai đoạn tiếp theo, chỉ tiêu mà thành phố đề ra là như thế nào ạ?

Từng giai đoạn TP đều có mục tiêu chung và các chỉ tiêu cụ thể hằng năm, giai đoạn 2014 - 2015 cũng đề ra mục tiêu là phấn đấu đến cuối năm 2015, theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm từ 16 đến 24 triệu thì tỷ lệ hộ nghèo của thành phố còn khoảng dưới 3%, đây cũng là một nỗ lực cao, đồng thời, sẽ chuẩn bị để hoạch định xây dựng một chương trình giai đoạn mới 2016 - 2010 mà thành phố cũng đang từng bước tiếp cận theo phương pháp đo lường giảm nghèo đa chiều, để nâng chất lượng hoạt động giảm nghèo.

Như ông vừa nói thì TP đang hướng đến việc giảm nghèo đa chiều. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu này, cũng như cách thực hiện ra sao ạ?

Hiện nay, phương pháp đo lường nghèo đa chiều đang được một số nước trên thế giới bắt đầu thực hiện, họ tính trên nhiều chiều của người nghèo. Ví dụ như chiều về nhà ở, về hưởng chính sách y tế, về trình độ, giáo dục, về tay nghề, chiều nghèo về mối quan hệ xã hội…Hiện nay, TP.HCM và một số nước thì chỉ dựa trên chiều nghèo thu nhập. Ví dụ như ở TPHCM đang xem xét mức thu nhập 2 đôla/người/ngày, dưới mức đó là đưa vào diện nghèo. Như vậy, toàn bộ người dân có mức thu nhập dưới mức đó mình đưa vào hộ nghèo, thì cũng có những hộ dân họ không nghèo về nhà ở nhưng họ nghèo về thu nhập. Cũng có người họ không nghèo về giáo dục nhưng họ nghèo về thu nhập, do một nguyên nhân nào đó mà họ chưa tìm được một công việc có mức thu nhập cao. Những việc này chúng ta sẽ tính toán, đo lường, từ đó chúng ta sẽ hoạch định chính sách cụ thể hơn, phù hợp hơn, chứ không bình quân như hiện nay. Và như vậy, chất lượng giảm nghèo sẽ đi vào từng đối tượng cụ thể, từng hộ và từng người nghèo.

Xin cám ơn ông.