Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

(VOH) – Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra từ ngày 9 - 11/3. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.

Tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội, vào ngày 9/3, Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 – 2027) họp phiên trù bị để biểu quyết thông qua chương trình đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch đại hội, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Sáng nay 10/3, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 chính thức khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Chính thức khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII 1
Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tại Hà Nội

Dự đại hội có 959 đại biểu chính thức, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo của cả nước. Với chủ đề "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước".

Cùng dự Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Cùng dự Đại hội có đại diện các đoàn thể, bộ, ban ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và các tổ chức quốc tế.

Đại hội có gần 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo, các độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực công tác và các vùng miền khác nhau trong cả nước.

Trong thành phần đại biểu có 35 đại biểu khối lực lượng vũ trang nhân dân (3,5%), 54 đại biểu là doanh nhân (5,4%), 83 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (8,3%), 164 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số (16,4%), 41 đại biểu tiêu biểu các tôn giáo (4,1%).

Chính thức khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII 2
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Mục tiêu của Đại hội lần này là: Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

Đại hội sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022- 2027 là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước, đánh dấu sự phát triển của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội LHPN Việt Nam.

Chủ tịch Hà Thị Nga điểm lại, trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ; Nhiều văn bản Luật được ban hành, sửa đổi đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc bình đẳng giới; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; phê duyệt các chương trình Mục tiêu quốc gia với nhiều nội dung quan trọng, tạo cơ hội hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và từng bước thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất.

Chủ tịch Hà Thị Nga khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Hội LHPN Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của tổ chức Hội. Từng cán bộ, hội viên phụ nữ phải không ngừng nỗ lực học tập, lao động sáng tạo, chủ động tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số và hội nhập quốc tế; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tổ chức Hội tiếp tục đoàn kết, vận động, tập hợp, khơi dậy khát vọng vươn lên và tiềm năng to lớn của phụ nữ, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ của Đảng, là thành viên có trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm thật sự sâu sắc sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 12; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; thông qua Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá XIII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, sức sáng tạo, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác Hội trong nhiệm kỳ tới.

Các hoạt động khác trong khuôn khổ đại hội gồm: Khai mạc triển lãm "Phụ nữ Việt Nam viết tiếp những ước mơ" và phát động nhắn tin ủng hộ chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" chung tay xây dựng ít nhất 130 mô hình sinh kế, tổng giá trị 13 tỉ đồng cho phụ nữ vùng biên giới. 

Bình luận