Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khai quật 3 di chỉ khảo cổ học ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều phát hiện mới

VOH - Ngày 10/12, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức đánh giá và nghiệm thu kết quả khai quật 3 di chỉ khảo cổ học.

Các di tích này tại xã Kim Long, Cù Bị và Quảng Thành (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Theo báo cáo khai quật của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, chương trình khai quật di tích Cù Bị 4 thuộc Nông trường cao su Cù Bị (thôn Đồng Tiến, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) được tiến hành trong tháng 8/2024.

kq 2
Các di vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị 4 và Quảng Thành (huyện Châu Đức) - Ảnh Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Đặc trưng địa tầng của di tích này cho thấy lớp văn hóa dày từ 40-60cm, ghi nhân nhiều mảnh gốm thô pha cát màu xám và ở các hố đều tìm thấy công cụ đá thuộc niên đại cách đây khoảng 2.500-3.000 năm.

Đối với di tích khảo cổ học Kim Long (thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) là 1 di tích cư trú lẫn mộ táng thời tiền sử với tầng văn hóa tương đối dày và tập trung chủ yếu ở khu vực triền gò, phía Bắc gần suối, niên đại có thể cách đây khoảng 2.000-2.500 năm.

Chương trình khai quật di tích Quảng Thành (thôn Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) được tiến hành từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10/2024.

Đặc điểm di vật của di tích Quảng Thành chủ yếu là các loại công cụ đá, gồm các loại rìu vai, rìu tứ giác, phác vật rìu, đục, dao hái, cưa, bàn mài...

Kết quả khai quật và nghiên cứu bước đầu tại di tích Quảng Thành cho thấy đây cũng là một di tích thuộc giai đoạn sớm của khảo cổ học Bà Rịa-Vũng Tàu, với niên đại cách đây khoảng 3.000-3.500 năm.

Quảng Thành khả năng là nơi tạo dựng nơi cư trú của một cộng đồng có tập quán cư trú trong một không gian khép kín dạng tròn.

Qua đợt khai quật 3 di tích khảo cổ học lần này, Đoàn khảo sát đã ghi nhận nhiều phát hiện mới trên địa bàn huyện Châu Đức. Qua đó, giúp làm rõ không gian cư trú thời cổ đại khoảng 3.000-3.500 năm trước ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phát hiện di tích mộ chum ở Kim Long cũng là 1 mảnh ghép rõ hơn kết nốt giữa vùng biển và vùng nội địa, là tư liệu phản ánh mối quan hệ thương mại cổ đại giữa vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu và thế giới Đông Nam Á.

Các chuyên gia đã thảo luận về giải pháp cần thiết cho bảo tồn và phát huy giá trị của 3 di tích khảo cổ tại huyện Châu Đức, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản lịch sử-văn hóa địa phương.

Số hóa di tích, hiện vật và đưa vào hệ thống trưng bày ở bảo tàng để thế hệ trẻ được tiếp cận và học lịch sử ở vùng đất này thời tiền sử, biết được nguồn gốc của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các chuyên gia khảo cổ học đề xuất điều tra khai quật diện rộng làm rõ tính chất của những di chỉ khảo cổ học; phục dựng 3D để phục vụ công tác trưng bày; kiến nghị Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sớm tiến hành công tác lập hồ sơ xếp hạng các di chỉ kể trên để bảo vệ di sản văn hóa địa phương tốt nhất có thể.

Bình luận