Công nghệ di động với tốc độ cao cũng góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực xã hội, kết nối vạn vật nhanh hơn, an toàn hơn.
Tuy nhiên, để các nhà mạng tập trung nguồn lực phát triển những công nghệ tân tiến thì cần phải cắt giảm những công nghệ đã lỗi thời như 2G. Hơn nữa, tại Việt Nam, các mạng di động công nghệ 3G, 4G hiện đã phủ sóng tương đương vùng phủ của mạng 2G, cho nên việc tiếp tục duy trì công nghệ 2G là không cần thiết.
Trước thực tế đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn triển khai lộ trình kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, chậm nhất đến tháng 9/2024, mạng 2G sẽ dừng cung cấp tại Việt Nam.
Vậy “Khi tắt sóng 2G – Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?” - Đây chủ đề của buổi talkshow do Câu lạc bộ AIoT TPHCM tổ chức vào sáng 17/11.
Chương trình có sự tham gia của đại diện các Sở Ban Ngành, DN , các nhà mạng lớn tại TPHCM nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Về chủ trương tắt sóng 2G , ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM - Chủ nhiệm CLB AIoT TPHCM nhận định, khi chuyển đổi thì chi phí của doanh nghiệp khi vận hành hệ thống giảm đi đáng kể.
Quan trọng là tốc độ đường truyền, dữ liệu băng thông tăng lên hàng trăm lần so với công nghệ cũ và cả các nhà mạng, người đang sử dụng thì đều có thể sử dụng tiện ích tối đa của sự phát triển công nghệ.
Ông Vũ Anh Tuấn nhận định, khi thực hiện chủ trương tắt sóng 2G hoàn toàn, sẽ có 2 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đó là người dân và các đơn vị sử dụng M2M. M2M tức là cho nhà máy, xí nghiệp, cảng biển, hệ thống giám sát giao thông, trên các xe vận tải, xe hành khách hoặc là những cái thiết bị công nghiệp. Đây mới là một lượng khách hàng lớn và cần đầu tư, cần lộ trình chuyển đổi nhất định.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 127 triệu thuê bao di động nói chung trong đó khoảng 20,8 triệu thuê bao 2G, việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt.
Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn.
Ông Nguyễn Quốc Trường - Phó Giám đốc VNPT TPHCM cho biết, đơn vị đã sẵn sàng hạ tầng cho việc tắt sóng hoàn toàn 2G.
“Việc chúng ta chuyển đổi qua công nghệ khác tiến tiến hơn, sẽ giúp có được lợi thế trong vấn đề kinh doanh. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các gói cước ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi sớm qua công nghệ 4G/5G để sẵn sàng một hành trình chuyển đổi số của quốc gia”, ông Trường nói.
Đặt vấn đề khi tắt sóng hoàn toàn 2G, năng lực phủ sóng cũng như chất lượng kết nối 4G trên toàn quốc ra sao, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, ông Phan Trần Hội Khương –PGĐ Mobiphone khu vực 2 khẳng định ”không có vấn đề và hoàn toàn có thể yên tâm. Vùng phủ di động của các nhà mạng hoàn toàn có thể làm đáp ứng được”.
Ông Nguyễn Quốc Vinh - Phó phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TPHCM cho biết TPHCM có gần 6.000 DN kinh doanh vận tải với hơn 248.000 phương tiện được cấp phù hiệu tham gia kinh doanh vận tải, trong đó kinh doanh vận tải bằng hàng hóa , container, bắt buộc lắp đặt giám sát hành trình và camera giám sát người điều khiển phương tiện.
Tuy nhiên, việc quản lý dữ liệu phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Ông kỳ vọng việc tắt sóng 2G hướng đến công nghệ mới sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý vận tải trong thời gian tới.