Tiêu điểm: Nhân Humanity

'Khó nhận diện bạo lực gia đình'

(VOH) - Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau 5 năm thực hiện kế hoạch phòng chống bạo lực gia đình cho thấy, số vụ bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt. Năm 2010 cả nước thống kê được 54.000 vụ thì 6 tháng đầu năm 2015 là trên 13.200 vụ.

Các hình thức bạo lực gia đình (BLGĐ) phổ biến nhất vẫn là thể chất, tinh thần tiếp sau đó là kinh tế. Nam giới là đối tượng gây ra bạo lực gia đình nhiều nhất với 11.000/13.200 vụ được ghi nhận năm 2015. Phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ảnh minh họa: abcnews

* VOH: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, bất bình đẳng giới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) trong xã hội Việt Nam. Ông nhận định thế nào ?

Ông Hoa Hữu Vân: Nguyên nhân gây ra BLGĐ có nguyên nhân về kinh tế, mâu thuẫn gia đình. Nhưng bất bình đẳng giới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng BLGĐ hiện nay bởi có quan niệm là người của mình, vợ của mình, chồng của tôi, con của tôi, cứ dùng từ “của” - cho rằng sở hữu của mình thì mình có quyền. Bất bình đẳng giới giữa nam và nữ trong gia đình là nguyên nhân gốc sâu xa dẫn đến tình trạng BLGĐ hiện nay.

* VOH : Có phải hành vi BLGĐ ngày càng gia tăng về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm ?

- Ông Hoa Hữu Vân: Nhận định mức độ nguy hiểm, những vụ án gần đây cho thấy hành vi BLGĐ có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Ngay cả chuyện chúng ta vừa mới biết có những vụ vì làm ăn thua lỗ mà bức tử cả nhà. Đấy là những hành vi không thể chấp nhận được.

* VOH: Khi nói đến bạo lực gia đình người ta nghĩ ngay đến phụ nữ là nạn nhân. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ ?

Ông Hoa Hữu Vân: Nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi chiếm tỷ lệ nhiều, đặc biệt là phụ nữ. Theo báo cáo của các tỉnh thành thì tỷ lệ phụ nữ là nạn nhân chiếm 73,8%. Người đàn ông, người chồng dường như có quyền hơn người phụ nữ và đặc biệt là trong các gia đình mà yếu tố gia trưởng còn đè nặng thì phụ nữ có nhiều nguy cơ bị bạo lực hơn.

* VOH: Trong cuộc sống, có rất nhiều phụ nữ thường chấp nhận, cam chịu BLGĐ, ông nghĩ sao ?

Ông Hoa Hữu Vân: Rõ ràng BLGĐ là điều không tốt đẹp và tâm lý chung kể cả nam giới và phụ nữ đều có xu hướng không muốn tố giác, bởi họ nghĩ chuyện trong nhà mà để người ngoài biết “xấu chàng hổ ai”...

Chúng ta đang hướng đến bình đẳng giới đặc biệt là nâng cao tuyên truyền nhận thức nhưng dường như việc làm của hôm nay chưa đủ lắm vì trong điều tra quốc gia về BLGĐ năm 2010 có thông điệp : “Hãy lên tiếng, im lặng là chết đấy”.

Điều này một mặt phản ánh tình trạng phụ nữ bị bạo lực thì vẫn cam chịu và ít lên tiếng, một mặt là họ chưa hiểu hết quyền được tôn trọng của mình để có thể lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Cho nên tuy được cải thiện nhiều nhưng vẫn thấy tình trạng phụ nữ cam chịu bị BLGĐ mà không lên tiếng.

* VOH: Thưa ông, đâu là những giải pháp cụ thể đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay ?

Ông Hoa Hữu Vân: BLGĐ là hành vi xảy ra giữa các thành viên với nhau, hành vi cố ý của thành viên này gây cho thành viên khác. BLGĐ xảy ra ở đằng sau cánh cửa của mỗi nhà, để phát hiện không dễ. Cho nên giải pháp là làm sao để cho mọi người hiểu rằng phải tôn trọng người khác và mình được tôn trọng, kể cả cha mẹ, không phải cứ con cái mình đẻ ra thì có quyền được đánh, được mắng nhiếc, sỉ nhục.

Thứ hai là nâng cao năng lực cho những người làm công tác tuyên truyền ở cộng đồng, ở thôn, ấp, bản, tổ dân phố để họ biết nhận diện ra hành vi nào là hành vi BLGĐ, từ đó phát hiện và xử lý được: có thể tư vấn, có thể hòa giải, có thể là phê bình trước cộng đồng dân cư, có thể áp dụng biện pháp không tiếp xúc hoặc cao hơn nữa là phải xử phạt. Trong Nghị định 110 trước đây cũng như Nghị định 67 thay thế cho Nghị định 110 quy định rất rõ điều này.

Thứ ba là phải đưa phòng chống BLGĐ trở thành nhiệm vụ thường xuyên và gắn với kế hoạch thực hiện của các cấp chính quyền, gắn với Hội đồng nhân dân các cấp. Đó là những ràng buộc đối với pháp luật nhưng điều mà chúng tôi mong muốn là phải có một đội ngũ cán bộ từ công an viên, trưởng thôn, trưởng ấp, rồi toàn thể ở cấp thôn như là chi hội phụ nữ, ban công tác mặt trận, chi hội cựu chiến binh... cùng tham gia phòng chống BLGĐ. Đó là những giải pháp tôi cho là căn cơ.

 * VOH: Cám ơn ông!

Bình luận