Khó thu hút đầu tư BOT với dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông

(VOH) - Dù chưa trình Quốc hội thông qua về mặt chủ trương nhưng dự án cao tốc Bắc Nam vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri, các nhà đầu tư cũng như đại biểu Quốc hội.

Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài đối với dự án này rất khó khăn, nhất lại là đầu tư theo hình thức BOT kém sức hút vì cơ chế còn bất cập.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án cao tốc Bắc Nam ở phía Đông là dự án quan trọng, vì vậy cần phải được nghiên cứu để đánh giá thận trọng về nguồn lực đầu tư cũng như cơ chế.

Dự án là hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa: Vneconomy

Trước tiên phải tháo bất cập trong BOT

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, với chiều dài gần 1.400 km, dự án cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư gần 230.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1; trong đó vốn huy động khoảng 136.000 tỷ đồng. Một phương án vốn cho dự án là thu hút đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Tuy nhiên, khi còn cơ chế, chính sách bất cập liên quan đến BOT thì việc thu hút nguồn vốn sẽ rất khó khăn. 

Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho biết: "Có khả thi hay không thì Nhà nước cần phải có cơ chế và chính sách rõ ràng, mạch lạc hơn chứ như cơ chế hiện nay tôi thấy không ổn".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: "Đầu tư ở lĩnh vực nào, khoảng nào để tập trung giải quyết ùn tắc giao thông, tôi nghĩ là cần thiết, còn vị trí nào chưa bức thiết thì không nên đầu tư".

Nhiều bất cập từ các dự án BOT là bài học sâu sắc để các cơ quan quản lý xây dựng chính sách pháp luật rõ ràng, ổn định hơn để thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, cho hay: "Nếu xét về lâu dài thì việc xây dựng cao tốc Bắc Nam là cần thiết, nhưng ở thời điểm hiện tại và đặc biệt, nếu xem xét trong vấn đề cân đối cơ cấu nguồn vốn, chúng ta cần phải tập trung một lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển các ngành nghề khác nhau của nền kinh tế, để từ đó đem lại tăng trưởng bền vững về cơ cấu, chất lượng cho từng ngành, từng lĩnh vực cũng như toàn bộ cư dân trong khu vực".

Việc thu hút vốn đầu tư theo hình thức BOT, nếu như giai đoạn trước đây được triển khai ồ ạt, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, thì đến nay, nguồn vốn này không còn dồi dào như trước.

Khó khăn của thực trạng này, theo đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) đó là: "Nhà nước đã ký hợp động với người ta để họ chấp nhận bỏ tiền ra đầu tư thì ai cũng mong muốn phải thu hồi được vốn, chứ không có cảnh hôm nay chúng ta đồng ý ngày mai mình lại thay đổi. Tôi cho rằng, làm như thế thì không ổn và làm người ta lo ngại. Đấy là nói riêng với các nhà đầu tư trong nước, còn với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu hôm nay chúng ta nói thế này, ngày mai nói thế khác thì tôi nghĩ người ta sẽ không dám đầu tư".

Dự án cao tốc Bắc Nam là một dự án giao thông có tổng vốn đầu tư lớn, được chia làm 3 giai đoạn: từ nay đến năm 2020; từ 2020 đến 2025 và sau năm 2025. Giai đoạn 1 theo dự tính mới có 55.000/130.000 tỷ đồng.

Như vậy, giải quyết bài toán huy động vốn là một vấn đề cần tính toán kỹ trong bối cảnh hiện nay.