Với chủ đề “Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả”, Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và 900 đại biểu của 63 tỉnh, TP tại các điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tinh thần tích cực và hành động của Chính phủ đã được Bộ KH&ĐT vận dụng, lan tỏa tốt trong các công việc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong điều hành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Chúng ta phải tháo gỡ tốt hơn các nút thắt, tồn tại, nhất là vấn đề mới phát sinh”, Thủ tướng chỉ ra một số điểm để ngành khắc phục. Đối với triển khai về đầu tư công, còn vướng về thể chế, tổ chức thực hiện. Nhiều ngành, địa phương còn đạt tỷ lệ giải ngân thấp, do đó, “các đồng chí vụ trưởng của Bộ KH&ĐT, Tài chính, các giám đốc sở KH&ĐT, Bộ trưởng KH&ĐT phải tham mưu tích cực, sát hơn nữa để tháo gỡ ngay trong quý I/2020 về giải ngân vốn đầu tư công.Điểm lại các kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ KH&ĐT đã có những đóng góp quan trọng, “đã vượt lên chính mình”, là Bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy, hành động và hiệu quả. Với vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, Bộ KH&ĐT có “nhiệm vụ hằng tháng, hằng quý rất nặng nề, yêu cầu cao”. Bộ đã triển khai thực hiện khối lượng nhiệm vụ, đề án rất lớn có chất lượng, đúng thời gian, tiến độ đề ra, đạt tỷ lệ 100%. Thủ tướng nhìn nhận, năm 2019, Bộ KH&ĐT đã làm việc tốt hơn năm 2018.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mặc dù đã xây dựng tiêu chí rõ ràng, nhưng theo Thủ tướng, danh mục các dự án đầu tư công còn rất dàn trải, còn bóng dáng của ban phát. Quản lý đấu thầu dự án đầu tư công còn bất cập. Thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng. Quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm. Nhiều nơi hủy thầu vô căn cứ, có dấu hiệu tham nhũng. Còn tình trạng đấu thầu kém công khai.
Cho rằng công tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, Thủ tướng đề nghị gấp rút phát hành sách trắng về doanh nghiệp, về hợp tác xã ngay trong quý I/2020. Bộ KH&ĐT không chỉ vạch ra định hướng tham mưu mà còn chỉ đạo sát sao để vấn đề đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Nêu một gợi ý chiến lược cần lời giải của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng chỉ rõ, khát vọng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045 là một thực tế, không phải tinh thần viển vông, “không ai khác hơn, chính Bộ KH&ĐT phải trực tiếp tham mưu, hiến kế, hoạch định chiến lược, lộ trình để biến khát vọng đó thành hiện thực”.
Tình hình thế giới những ngày gần đây diễn biến phức tạp, khó lường. Đây cũng là cơ hội nếu Việt Nam giữ được ổn định chính trị xã hội. Thủ tướng đặt vấn đề, vậy chúng ta cần làm gì để biến điều này thành lợi thế nổi trội trong thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng; cần làm gì để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0, cần khuyến nghị chính sách hỗ trợ với các địa phương như thế nào để các địa phương thực sự xem cách mạng 4.0, kinh tế số là nền tảng, động lực để chuyển đổi cơ cấu và phát triển nhanh bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đề nghị năm 2020, cần phải tháo gỡ được một số nút thắt lớn để khơi thông các động lực cho địa phương, cho nền kinh tế. Tiếp tục phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch. Thủ tướng lưu ý, nhiều vấn đề về văn hóa xã hội nổi lên, có thể kìm hãm phát triển bền vững trong dài hạn. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, chưa giàu đã già.
“Bộ KH&ĐT đóng vai trò như một nhà toán học, Bộ KH&ĐT phải xung phong đi đầu trong việc giải bài toán lớn, có đầu bài khó về phát triển đất nước, nhất là khơi thông nguồn lực, khơi thông điểm nghẽn, nâng cao tính hiệu quả trong điều hành”, Thủ tướng nói.
Năm 2020 có vị trí đặc biệt quan trọng, tuyệt đối không được tự mãn, lơ là, chủ quan. Bộ KH&ĐT cần hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế-xã hội 2020 sớm về đích, làm sao để có thể tạo ra bứt phá hơn nữa ở các khâu, các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương để đưa nhanh chóng Nghị quyết 01, 02 và nhiều nghị quyết khác của Chính phủ về đích sớm trong năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và hệ thống ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê nghiên cứu xem cần chính sách có tính đột phá lớn như thế nào để Việt Nam thăng hạng hơn nữa trong năm 2020 về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Ngân hàng Thế giới đánh giá tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới, vậy làm sao để vừa phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu, làm cho tầng lớp này trở thành một lực lượng quan trọng, tạo động lực cho phát triển mạnh mẽ đất nước.
Bộ KH&ĐT cần tổ chức nghiên cứu xây dựng, đề xuất thể chế thực sự đột phá cho liên kết vùng về cả cơ chế tổ chức, tài chính, ngân sách, quản trị, con người.
Bộ cần nghiên cứu thúc đẩy việc lồng ghép có hiệu quả hơn nữa 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc vào Chiến lược quốc gia của các địa phương để sự phát triển của Việt Nam không lạc nhịp với xu hướng của thế giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng thăm Trung tâm Điều hành (Bộ KH&ĐT) bắt đầu đi vào vận hành thử nghiệm./.