Khuất tất tại công trình nước sạch: Cần lắm sự minh bạch

(VOH) - Theo người dân, số tiền thất thoát lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng ròng rã hơn 2 năm qua, tiến độ điều tra giải quyết khuất tất này rất chậm.

Hàng trăm triệu đồng vào tay ai ?

Ông Đoàn Vũ Tuấn, tổ trưởng ban quản lý tổ hợp nước (được dân bầu lại vào thời điểm tháng 5/2016) bức xúc: “Không ngờ số tiền mà ban quản lý cũ thâm thụt lớn đến vậy!”.

Có quá nhiều khoản chi bất hợp lý, hóa đơn chứng từ không rõ ràng, chẳng hạn như năm 1999, thời điểm ông Lê Văn Quý làm tổ trưởng, có kê khai việc khoan giếng số 2 với số tiền gần 36 triệu đồng nhưng trên thực tế không có; không mua bơm hỏa tiễn nhưng vẫn kê khai mua với giá hơn 17 triệu đồng; tiền thu cổ phần khai lệch so với thực thu; tiền mua trang thiết bị cũng bị kê khống vào năm 2013 là 21 triệu đồng, năm 2014 là 26 triệu đồng… 

Từ khi người dân không đồng tình tăng giá nước và nghi ngờ khuất tất của ban quản lý cũ, các hộ dân đã giám sát (từ năm 2014 đến năm 2016) và kết quả cho thấy, số kết dư là 120 triệu cũng với mức giá nước cũ là 3.500 đồng/m3

/tháng.

Đầu tháng 5/2016, các xã viên bầu lại ban quản lý mới, giá nước vẫn giữ 3.500 đồng và cho đến thời điểm hiện nay, tức khoảng thời gian tròm trèm 10 tháng, số tiền kết dư tại ban quản lý mới gần 100 triệu đồng tiền lãi sau khi đã trừ các chi phí lắp đặt hơn 2.000m ống nước mới, trả lương ban quản lý, khoan giếng mới có công suất hơn 18m3/h, xây đài nước, gắn bồn mới...

Với luận cứ này, người dân đặt câu hỏi liệu trước kia khi chưa giám sát thì số tiền dôi dư hơn chục năm đi đâu, về đâu? Vậy mà năm nào ban quản lý cũng báo lỗ và đòi tăng giá nước.

>>Nghe bài viết khuất tất tại công trình nước sạch: Cần lắm sự minh bạch

Ông Trần Văn Hoàng (bìa phải) phó chánh văn phòng UBND huyện chợ Gạo cho biết đã tiếp nhận vụ việc và chuyển cơ quan công an huyện điều tra

Không ai chịu trách nhiệm?

400 hộ dân có đơn gửi chính quyền nhờ can thiệp và đoàn giám sát Hội đồng nhân dân xã cũng về kiểm tra. Tại cuộc họp cho thấy nhiều sai phạm của ban quản lý cũ, tuy nhiên đến nay, chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm về sự việc này.

"Ngay hôm họp giám sát của HĐND xã để trả lời dân vì sao ban quản lý cũ sử dụng hết số thu tiền nước của dân thì ông Quý - tổ trưởng cũ chỉ báo cáo phần sau, còn phần trước đổ thừa cho ông Tám sai phạm trong khi ông Tám đã chết. Khi chúng tôi đưa biên bản mà ông Tám bàn giao đầy đủ thì ông Quý ú ớ, không giải trình trình được.

Khi đoàn thẩm tra huyện xuống làm việc thì ông Quý vẫn không giải trình được các khoản chi. Lúc này đoàn thẩm tra cho nghỉ trưa và sau đó các số liệu thu chi không biết ở đâu mà ông quý báo cáo khá đầy đủ ?".

Khi tiếp xúc với chúng tôi, các hộ dân cho biết chính quyền địa phương đã "vào cuộc" song việc triển khai quá chậm, có thể tạo điều kiện cho ban quản lý tổ hợp nước cũ có thời gian củng cố chứng cứ, hòng khỏa lấp sai phạm.

Ông Lê Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trung Hòa nói: "Cuộc họp này UBND huyện chủ trì, phối hợp với ban quản lý ấp chủ yếu là báo cáo kết quả của công an huyện và kết quả như vậy thì bà con có thống nhất hay không, có thống nhất khiếu nại việc làm của ông Quý tổ trưởng về vụ tiền nước hay không, chứ tôi không đưa ra ý kiến giải quyết".

Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Theo diễn tiến của sự việc, luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật cho rằng, những người trong ban quản lý cũ có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mà đây lại là tài sản của nhiều người cùng góp lại và yêu cầu được minh bạch sự việc là yêu cầu chính đáng của người dân:

"Nếu có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt mà số tiền lớn thì thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Đây là tố cáo, phải làm rõ việc này có cơ sở hay không và xác định toàn bộ thông tin trong vụ việc này đến mức độ nào.

Nếu chứng minh được lỗi, có dấu hiệu tội phạm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở vụ việc này tôi thấy có nhiều dấu hiệu sai phạm nhưng để làm rõ thì cơ quan điều tra phải vào cuộc để làm rõ thấu đáo".

Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là bằng hoặc trên 95% và nước sạch theo quy định là bằng hoặc trên 65% đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 400 hộ dân ở xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang từ nhiều năm qua đã đồng hành cùng chính quyền địa phương trên con đường xây dựng nông thôn mới bằng cách chung sức thành lập tổ hợp nước sinh hoạt nông thôn.

Dù dưới hình thức nhà nước đầu tư hay xã hội hóa thì vẫn cần yếu tố tham gia giám sát của chính quyền địa phương. 

Sự việc khuất tất về thu chi tiền nước tại tổ hợp nước gồm 400 hộ dân ở xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và sự chậm trễ trong kết luận điều tra đã khiến cho người dân vô cùng bức xúc.