Khuyến cáo người dân hạn chế đi lại khi mưa lũ

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1826/CĐ-TTg gửi các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban Quốc gia TKCN, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một số cơ quan báo chí-truyền thông Trung ương chỉ đạo việc ứng phó khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ.

Mưa lũ miền Trung diễn biến phức tạp. Ảnh: Internet

Nội dung Công điện nêu rõ:

Do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 12/10/2016, trên địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có mưa rất to trên diện rộng, diễn biến phức tạp, lũ trên các sông lên nhanh, chảy xiết làm sạt lở mái ta luy âm và trôi nền đường tại một số đoạn trên phạm vi 200 km tuyến đường sắt Bắc-Nam gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường sắt Bắc-Nam; nhiều vị trí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh tại địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị ngập sâu; một số phương tiện vận tải thủy bị đứt neo, trôi ra biển. Khả năng tình hình mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Để chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình mưa lũ phức tạp nêu trên; hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo:

- Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam:

+ Chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối và các điều kiện sinh hoạt cho hành khách đi tàu; thường xuyên hướng dẫn, thông tin để hành khách yên tâm; đồng thời, có phương án giải tỏa hành khách và hàng hóa trong trường hợp ách tắc kéo dài.

+ Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng khác trên địa bàn để khẩn trương khắc phục sự cố ách tắc tàu ngay sau khi nước rút.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và chính quyền các địa phương có phương án không để ùn tắc tại các vị trí bị ngập trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh; đồng thời, chỉ đạo việc phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý, bảo đảm sớm lưu thông cho các phương tiện đường bộ; có giải pháp khắc phục các vị trí bị ngập lụt ngay sau khi nước rút.

- Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo các chủ phương tiện quản lý chặt chẽ các phương tiện vận tải đường biển và đường thủy nội địa trong thời gian mưa lũ; không để sự cố nghiêm trọng xảy ra; huy động tối đa các lực lượng, phương tiện để ứng cứu kịp thời đối với các phương tiện bị trôi dạt.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp, ứng phó theo cấp báo động; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách và người điều khiển phương tiện. Chủ động triển khai phương án khắc phục tình trạng ngập lụt trên các tuyến đường giao thông do hậu quả mưa lũ.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm và bố trí chỗ ở tạm cho hành khách, người điều khiển phương tiện bị tắc nghẽn giao thông; hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang bị mất tích.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của ngành giao thông, ngành công an để kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các bến đò ngang, các ngầm giao thông, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.

- Tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong thời gian xảy ra mưa lũ.

3. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ.

- Chỉ đạo Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức các lực lượng trên địa bàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để có giải pháp phòng, chống và khắc phục kịp thời tình trạng ách tắc giao thông do mưa lũ.

4. Các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình kịp thời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc, chính quyền các địa phương khi có yêu cầu nhằm khắc phục nhanh nhất tình trạng thiệt hại do mưa lũ gây ra.

5. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cung cấp đầy đủ, kịp thời để hành khách và người điều khiển phương tiện nằm được thông tin về thiên tai, chủ động phòng, tránh và giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Bình luận