Chờ...

Gọi đường dây nóng 18001522 để giải cứu động vật hoang dã

VOH - Thời gian qua, nhiều thông tin do người dân cung cấp về động vật hoang dã được các cơ quan chức năng xử lý nhưng tỷ lệ thành công chỉ chiếm 1/3 trong tổng số vụ việc được người dân thông báo.

VOH có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên, một tổ chức chuyên về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.

* VOH: Xin bà cho biết về công tác tiếp nhận và xử lý thông tin do người dân thông báo về động vật hoang dã được thực hiện như thế nào?

Bà Bùi Thị Hà: Trung tâm Giáo dục thiên nhiên có đường dây nóng miễn phí để người dân phát hiện bất cứ vi phạm về động vật hoang dã nào thì có thể gọi điện đến đường dây nóng này và chia sẻ thông tin với ENV.

ENV xác minh tính chính xác của thông tin trước khi chuyển giao đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý và sau đó thông báo lại kết quả cho người dân.

Năm 2022, thông qua đường dây nóng miễn phí 18001522, ENV đã tiếp nhận 1153 các vụ việc do người dân thông báo và chuyển giao đến các cơ quan chức năng trên cả nước để xử lý.

Khuyến cáo về lưu giữ, mua bán, giải cứu động vật hoang dã 1
Các cá thể động vật quý hiếm bị buôn bán trái phép được phát hiện trong một vu việc

* VOH: Hiệu quả công tác xử lý vụ việc về động vật hoang dã do người dân báo được thực hiện ra sao, đặc biệt là tại khu vực TPHCM?

Bà Bùi Thị Hà: Công tác xử lý các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo của các cơ quan chức năng trong năm 2022 có sự cải thiện so với năm 2021. Tuy vậy kết quả vẫn còn thấp hơn kết quả đạt được trong năm 2020 và năm 2019.

Năm 2022 các cơ quan chức năng xử lý thành công khoảng 32,7% các thông tin dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo, trong đó tỷ lệ xử lý thành công liên quan đến các vụ việc về động vật hoang dã còn sống là 34,8% và tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng với vi phạm do người dân thông báo ở mức cao, đạt 97,7%.

Riêng tại TPHCM ghi nhận các thông tin dấu hiệu vi phạm do người dân thông báo nhiều nhất. Năm 2022, chúng tôi nhận 444 vụ việc do người dân thông báo. Điều này cho thấy tình trạng vi phạm về động vật hoang dã vẫn diễn ra phổ biến tại TPHCM và khối lượng công việc cần giải quyết còn rất lớn.

Rất tiếc là việc xử lý những thông tin dấu hiệu vi phạm do người dân cung cấp đang ở dưới mức trung bình của cả nước, chỉ xử lý thành công khoảng 17% thông tin ghi nhận, xử lý thành công liên quan đến các vụ việc về động vật hoang dã, còn sống chỉ đạt khoảng 18 %.

* VOH: Bà có khuyến cáo gì đến người dân về việc lưu giữ, trưng bày hay là tiêu dùng cũng như là buôn bán động vật hoang dã?

Bà Bùi Thị Hà: Pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ để bảo vệ động vật hoang dã. Mọi hành vi nuôi nhốt hay là tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hay sản phẩm của động vật hoang dã mà không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp hoặc không đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật đều là vi phạm và bị xử lý.

Nếu tàng trữ hay nuôi giữ những cái loài động vật hoang dã bị cấm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, người dân không nuôi nhốt hay là lưu giữ, tàng trữ các sản phẩm, bộ phận động vật hoang dã.

Chúng ta không tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã để có thể góp phần bảo vệ chúng trong tự nhiên.

* VOH: Một số người thấy động vật hoang dã bị rao bán nên mua lại để thả chúng ra môi trường tự nhiên. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bà Bùi Thị Hà: Thực tế, nhiều người mua những cái cá thể động vật hoang dã với mục đích để giải cứu. Nhưng người dân không biết rằng khi chúng ta mua một cá thể động vật hoang dã để giải cứu tức là chúng ta đã vô tình trả tiền khuyến khích những đối tượng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã đó.

Do vậy người dân khi phát hiện các trường hợp buôn bán động vật hoang dã trái phép thì nên thông báo đến cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí 18001522 để Trung tâm Giáo dục thiên nhiên - ENV phối hợp xử lý vi phạm.

* VOH: Cám ơn bà.