Chờ...

Kiếm nhân sự kỹ năng mềm hoàn hảo "khó như mò kim đáy biển"

(VOH) - Cộng đồng ASEAN sẽ thành lập từ ngày 31-12-2015. Việt Nam đang có những bước chuẩn bị “nước rút” sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ giúp thị trường lao động trong khối ASEAN sôi động hơn và thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Vấn đề đặt ra là, nguồn nhân lực Việt Nam đang thật sự có, cần và thiếu những yếu tố gì để đón nhận cơ hội mới. Phóng viên VOH trao đổi với ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc TT Dự báo nhu cầu nhân lực & thông tin thị trường lao động TPHCM:

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc TT Dự báo nhu cầu nhân lực & thông tin thị trường lao động TPHCM (ảnh: Matana)

* VOH : Là chuyên gia dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cũng như người lao động cần chuẩn bị gì khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN ?

Ông Trần Anh Tuấn: Người tham gia thị trường lao động phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề, ngoại ngữ và hòa nhập vào thị trường lao động năng động hiện nay cũng như trong những năm tới. Các nhà tuyển dụng tìm những ứng viên với bằng cấp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều nhưng để tìm được các ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo, đặc biệt là nhân sự cao cấp thì nhiều doanh nghiệp đánh giá là khó như “mò kim đáy biển”.

Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TP cho thấy những kỹ năng mềm mà nhà tuyển dụng đề cập là giao tiếp, kỹ năng viết, sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, tính thích ứng, khả năng tư duy sáng tạo. Vì vậy, trong quá trình thích ứng với doanh nghiệp, sinh viên, học sinh, người lao động phải luôn hoàn thiện, cạnh tranh với chính mình. Bên cạnh đó, các bạn cần làm quen không chỉ cạnh tranh với người cùng ngành mà còn cạnh tranh với nguồn nhân lực hội nhập vào đất nước chúng ta.

* VOH : Trong quá trình tuyển dụng, doanh nghiệp thường than phiền ứng viên thiếu kiến thức lẫn kỹ năng. Ông nghĩ sao ?

Ông Trần Anh Tuấn:  Hiện TPHCM và các địa phương lân cận còn tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Người lao động trình độ đại học, cao đẳng vẫn thiếu kỹ năng. Đặc biệt, vào cuối năm nay khi chúng ta hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN thì nền kinh tế thị trường lao động sẽ theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Thị trường lao động đang phát triển theo yêu cầu tăng nhanh nguồn nhân lực trình độ cao: có kỹ năng, kiến thức về KHCN, quản trị và SX kinh doanh. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Các doanh nghiệp thì luôn luôn khát nhân lực.

Vấn đề nghịch lý là chúng ta thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở ngành cần thiết cho sự phát triển. Chúng tôi thấy rằng trong hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015 có 3 vấn đề thách thức, đó là: ngoại ngữ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, cụ thể là kỷ luật của doanh nghiệp.

* VOH : Thực tế cho thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp muốn làm việc cho các liên doanh, nước ngoài hơn là công ty trong nước. Nguyên nhân vì đâu ?

Ông Trần Anh Tuấn: Nhu cầu lao động trong các DN vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng cao và đây là môi trường hấp dẫn để nhiều sinh viên sau khi ra trường muốn tham gia. Tuy nhiên, họ lại yêu cầu về kỹ năng ngoại ngữ và đặc biệt trách nhiệm nghề nghiệp khá cao. Vì vậy, nhiều sinh viên không đáp ứng.

Một nguồn nhân lực thứ hai là xuất khẩu lao động đang mở ra và rất nhiều ngành công nghệ kỹ thuật cũng như chăm sóc y tế đang hút một lực lượng lao động đã qua đào tạo.

Nguồn nhân lực thứ 3 là di chuyển lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra nguồn nhân lực di chuyển cao trong nước, góp phần tác động thay đổi về điều kiện làm việc cũng như thu nhập sẽ hút lực lượng sinh viên. Tất nhiên khi vực đầu tư nước ngoài sẽ có những điều kiện để chúng ta phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn làm sao để nghề nghiệp đi từ thấp đến cao.

* VOH : Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải đào tạo, nhưng kết quả đào tạo so với nhu cầu của doanh nghiệp còn khoảng cách. Theo ông khó khăn là gì ?

Ông Trần Anh Tuấn: Do trong xu hướng phát triển sự nghiệp của nhà trường và chạy theo thị hiếu, nhu cầu của xã hội mà chúng ta đào tạo số lượng quá lớn nên khó đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta hãy làm sao để cho người lao động theo học nghề với tất cả hứng thú, đam mê và tự rèn luyện. Nhà trường hãy làm chất xúc tác để tạo điều kiện cho học sinh, giúp họ rèn luyện kỹ năng tham gia thị trường lao động. Thật ra ở đây rất cần vai trò của DN. Hãy tạo điều kiện cho các trường giúp đỡ các em học tập và gắn kết nhà trường những điều kiện mà các DN cần về tiêu chuẩn lao động. Thứ 3 là vai trò của thanh niên bên cạnh học nghề thì lo trau dồi kỹ năng, trách nhiệm, phải trải nghiệm mới phát triển được.

* VOH : Sắp tới, Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, đây là cơ hội người lao động tìm việc làm thích hợp nhưng cũng đặt ra cho mỗi cá nhân về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và cạnh tranh với nhân lực từ các quốc gia trong khu vực, lời khuyên của ông là gì ?

Ông Trần Anh Tuấn: Một là hãy nhanh chóng tìm đúng nghề và phát triển công việc. Chúng ta đang ở trong một thời kỳ học một nghề có thể làm được nhiều nghề tương thích. Và ngược lại làm một nghề chúng ta phải bao gồm những kỹ năng cũng như một số nhóm nghề cần thiết để phục vụ cho sự phát triển. Vì vậy vấn đề làm đúng ngành nghề cũng chỉ là tương đối.

Vấn đề thứ hai trong quá trình làm việc cần phải xác định mục tiêu và kế hoạch nghề nghiệp. Đây chính là yếu tố quan trọng của mỗi người mà chúng ta thường hay quên.

Cái thứ ba quan trọng nhất là mỗi thanh niên, sinh viên, người lao động phải làm sao xây dựng được giá trị hành nghề. Chúng ta phải thấy rằng không một ai hoàn hảo nếu một người có nhiều ưu điểm thì cũng phải có một số nhược điểm và chúng ta cần hoàn thiện thì mới có thể phát triển được trong sự nghiệp.

* VOH : Cám ơn ông !