Theo số liệu của bệnh viện Ung bướu TPHCM, trung bình mỗi năm lượng bệnh nhân ung thư tăng 10%. Tính riêng 4 năm (2007-2011), TP đã phát hiện thêm trên 33.000 trường hợp ung thư. Theo các nhà chuyên môn, trong số các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến tỷ lệ ung thư này, ngoài thói quen lối sống thì còn có nguyên nhân thực phẩm không đảm bảo chất lượng, bị lạm dụng hóa chất tràn lan. Theo Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế, số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2014 tăng hơn 13%, số người tử vong tăng hơn 50% so với năm 2013.
Thực phẩm kém chất lượng luôn là bài toán khá đau đầu cho người tiêu dùng. Hiện nay, chọn được thực phẩm sạch không hề dễ dàng. Người tiêu dùng rất sợ mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là rau và thịt vì rau thì dùng thuốc tăng trưởng, thịt vẫn có không ít người dùng thuốc tăng trọng, ướp hóa chất. Ý kiến của một số người dân :
Mặt hàng rau sạch bán trong các siêu thị luôn thu hút khách hàng. Thế nhưng sạch cỡ nào thì người tiêu dùng không thể biết - Ảnh: Hồng Thúy (NLĐ). |
Theo bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP thì thực tế các trường hợp ngộ độc cấp tính phần lớn là do vi sinh vật hoặc hóa chất có trong các loại thực phẩm có nguồn dinh dưỡng cao. Ví dụ như thịt, cá, hải sản, sữa hoặc sản phẩm từ sữa. Đặc biệt trong mùa hè, vi sinh vật rdễ sinh sôi, nảy nở từ đó gây nhiễm trùng cấp tính, ngộ độc cấp tính.
Từ nỗi lo của cộng đồng, một lần nữa vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được đặt ra và thu hút sự quan tâm. Bên cạnh trách nhiệm từng cá nhân, ý thức tiêu dùng của xã hội, cũng cần đặt ra vai trò và trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân TP thẳng thắn cho rằng, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm TP thời gian qua có tích cực tuy nhiên người dân vẫn chưa thật sự yên tâm về chất lượng thực phẩm trên thị trường. Để giải quyết thực trạng này, phải nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, phải xây dựng đội ngũ quản lý có trình độ chuyên môn cao, công tâm khi thực hiện nhiệm vụ.
Liên quan đến nhân sự trong công tác quản lý, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng nêu thực trạng bất cập mà đáng ngại nhất là lực lượng quản lý thực phẩm ở phường, xã hiện còn mỏng: "Ngành Y tế đề xuất tăng biên chế ở trạm y tế để anh em mang tính chuyên trách, chuyên nghiệp trong công việc. Tuy nhiên để giải quyết trong tình hình hiện nay chúng tôi cũng tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công việc này và tăng cường cán bộ về phường xã". Ông Hưng cho biết thêm.
Trong khi chờ những giải pháp quản lý thì trước tiên mỗi chúng ta sẽ tự nâng cao cảnh giác, tự biến mình thành người tiêu dùng thông minh. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế TP lưu ý người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc thể hiện bằng nhãn thực phẩm. Với thực phẩm chưa có nhãn phải bằng cảm quan nhận định qua màu sắc, nhất là thịt, rau… Ngoài những tiêu chuẩn đó, chúng ta chọn nguyên liệu thực phẩm ở những nơi đủ điều kiện kinh doanh, thương hiệu có uy tín trên thị trường. Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế ông Lê Văn Giang hướng dẫn người tiêu dùng ưu tiên trong chọn rau, thịt bằng cách mua từ những chỗ có thương hiệu, bảo đảm như nơi bán rau sạch, thịt sạch.
Ngoài vận động nâng cao ý thức, phải trở thành nhà tiêu dùng thông minh, sáng suốt thì vấn đề nan giải hiện nay là làm sao để thực phẩm sạch đến được với người thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, thực phẩm sạch không hề rẻ. Đó cũng là một nguyên nhân khiến các trường hợp ngộ độc cứ “quanh quẩn” trong nhóm đối tượng người nghèo, công nhân, người làm thuê trong các công ty… Nếu không có giải pháp cốt lõi đưa thực phẩm sạch đến với đa số người dân thì việc kiểm soát thực phẩm kém chất lượng sẽ mãi là bài toán khó.