Kiến nghị đưa Thừa phát lại hoạt động chính thức

(VOH) - Theo Nghị quyết 36 của Quốc hội, việc thí điểm chế định Thừa phát lại sẽ thực hiện đến 31/12/2015, sau đó các địa phương tiến hành tổng kết báo cáo Quốc hội.

Trải qua 5 năm thí điểm, các văn phòng lần lượt được mở tại thành phố Hồ Chí Minh và 12 tỉnh, thành. Trong 5 năm, trên khắp 13 tỉnh, thành đã có 52 văn phòng Thừa phát lại với đội ngũ nhân lực là 529 người. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 11 văn phòng. Từ khi đi vào hoạt động, văn phòng Thừa phát lại thực hiện 4 nhóm việc chính là: lập vi bằng, thi hành án, tống đạt và xác minh điều kiện thi hành án. Trong đó, việc lập vi bằng đạt doanh thu hơn 51 tỉ đồng, thực hiện việc tống đạt của 13 tỉnh, thành thu được 35 tỉ đồng. Trong các nhóm việc, văn phòng Thừa phát lại thành phố Hồ Chí Minh luôn đạt tỉ lệ hơn 50% doanh thu, tính chung 13 tỉnh, thành được triển khai thí điểm.

Các Văn phòng Thừa phát lại tại TPHCM. Ảnh: sotuphap

Bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố đánh giá, hoạt động tống đạt của Thừa phát lại góp phần giảm tải của ngành tòa án. Qua đó, những vụ án được giải quyết kịp thời, mỗi năm đều kéo giảm án quá hạn. Đội ngũ thư ký Thừa phát lại có ở rộng khắp các quận, văn bản tống đạt được chuyển đến đương sự nhanh chóng, tạo điều kiện cho toà án tiếp xúc đương sự dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh cho rằng trong các nhóm việc chính của Thừa phát lại, việc lập vi bằng chính là thế mạnh. Nội dung Vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực, như trong hoạt động giao dịch thương mại, dân sự, ghi nhận việc xâm phạm sở hữu trí tuệ. “Theo đánh giá của Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, việc lập vi bằng có ý nghĩa quan trọng trong việc tòa thụ lý giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật. Thừa phát lại vừa giúp người dân có cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa giúp tòa giải quyết vụ án đúng pháp luật. Những vi bằng đa số đảm bảo tính pháp lý, mang tính giá trị chứng minh cao, kịp thời bảo quản lưu giữ chứng cứ quan trọng, mà nếu không có việc lập vi bằng của Thừa phát lại thì việc thu thập chứng cứ của tòa sẽ gặp khó khăn, do có những chứng cứ không còn tồn tại theo thời gian”, ông Hùng cho biết thêm

Ông Nguyễn Văn Lực, Cục Trưởng Cục thi hành án thành phố xác định phương châm hợp tác chân thành và cạnh tranh lành mạnh với đội ngũ Thừa phát lại trong hoạt động thi hành án. Với số lượng việc đồ sộ, chiếm 1/7 khối lượng việc thi hành án toàn quốc, áp lực công việc của thi hành án thành phố là rất lớn. Việc chia lửa từ đội ngũ Thừa phát lại sẽ góp phần giảm tải cho ngành thi hành án. Nếu Thừa phát lại tổ chức thi hành án nhiều vụ việc thì mới khẳng định được vị thế của mình. Để tháo gỡ vướng mắc cho các văn phòng Thừa phát lại, ông Nguyễn Văn Lực cho rằng: “Hiện nay khống chế địa hạt của văn phòng Thừa phát lại chỉ được tổ chức thi hành án ở địa bàn quận, huyện mình đóng trụ sở, đây cũng là hạn chế. Cần mở rộng địa hạt của Thừa phát lại. Hay như câu chuyện Tòa án không ghi vào bản án là đương sự có quyền yêu cầu Thừa phát lại trực tiếp tổ chức thi hành. Không hiểu sao ngành Tòa án chưa triển khai. Tôi cũng rất muốn là Tòa án ghi ngay vào bản án là các đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án hoặc các văn phòng Thừa phát lại trực tiếp thi hành án”.

Mặc dù thành phố đã nỗ lực hỗ trợ nhưng khi đi vào hoạt động, đội ngũ Thừa phát lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do Thừa phát lại là chế định mới, lại là tổ chức phi nhà nước, dẫn đến việc phối hợp, hỗ trợThừa phát lại từ các cơ quan ban ngành còn hạn chế. Đối với hoạt động tống đạt, Thông tư liên tịch giữa các Bộ chưa thật sự phù hợp, gây khó khăn cho các văn phòng Thừa phát lại. Bên cạnh đó, một số thẩm phán, chấp hành viên chưa thật sự yên tâm khi chuyển giao việc cho văn phòng Thừa phát lại. Trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án, một số cơ quan còn lúng túng, thậm chí từ chối hỗ trợ Thừa phát lại. Ngoài ra, người dân vẫn còn tâm lý e ngại về khả năng tổ chức Thi hành án của Thừa phát lại.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định thí điểm Thừa phát lại là chủ trương lớn của Đảng, nằm trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Ghi nhận, biểu dương nỗ lực của thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ hoạt động thí điểm của chế định Thừa phát lại, ông Đinh Trung Tụng nêu ý kiến: “Đề nghị Thành ủy, UBND tiếp tục quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện hỗ trợ các văn phòng Thừa phát lại chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện chính thức chế định này tài thành phố và trên cả nước. Sở Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố thực hiện chế định này. Cục Thi hành án dân sự thành phố đề nghị quán triệt đến các cơ quan thi hành án, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo trên tinh thần thông suốt về tư tưởng, hợp tác chân thành, cạnh tranh lành mạnh”.

Việc ra đời của Thừa phát lại đã tạo ra một nghề mới tận dụng được đội ngũ chất xám trong ngành Luật sư, thi hành án, góp phần dân chủ hóa hoạt động tư pháp, giúp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước. Đồng thời, hiệu quả từ việc lập vi bằng đã làm giảm tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân trong các hoạt động dân sự. Do đó, UBND thành phố đề xuất kiến nghị Quốc hội cho phép chính thức đưa chế định Thừa phát lại đi vào đời sống.

Bình luận