Chờ...

Kiến nghị giảm tốc độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 120km/h xuống 100km/h khi khai thác tạm

VOH - Đoàn công tác do Khu quản lý đường bộ IV vừa chủ trì kiểm tra hiện trạng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và lên phương án tổ chức giao thông trước khi đưa vào khai thác tạm từ ngày 29/4.

Sau khi kiểm tra hiện trường, đối chiếu với hồ sơ thiết kế hạng mục an toàn giao thông được phê duyệt, đoàn kiểm tra cho rằng, dự án vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện, cần ưu tiên đẩy nhanh.

Cụ thể, toàn dự án có 7 nút giao kết nối giữa quốc lộ 1, quốc lộ 56, quốc lộ 55, đường tỉnh 725, đường tỉnh 720. Trong đó, mới chỉ có 3 nút giao chính cơ bản hoàn thành đủ điều kiện để kết nối.

Kiến nghị giảm tốc độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 120km/h xuống 100km/h khi khai thác tạm 1
Điểm cuối cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: TPO

Đọc thêm: Ngày 29/4 khánh thành dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây

Nút giao quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh (điểm đầu và đường dẫn vào cao tốc) đang trong giai đoạn thi công móng đường, thiếu hệ thống thoát nước. Tại đây, chủ đầu tư chưa bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ trên quốc lộ 1 và đường dẫn vào cao tốc. Hệ thống báo hiệu trên tuyến chính cao tốc và tại các vị trí đường dẫn ra - vào chưa hoàn thiện vạch sơn kẻ đường.

Tại nút giao quốc lộ 1 ở tỉnh Đồng Nai (Km62+200) và nút giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn chưa hoàn thiện hệ thống hàng rào, biển báo, vạch sơn kẻ đường. Hệ thống đèn chiếu sáng tại nút giao quốc lộ 1 ở Đồng Nai chưa đấu điện. Đây là 2 nút giao quan trọng và có lượng phương tiện lưu thông đông.

Với những hiện trạng như trên, đoàn kiến nghị điều chỉnh vận tốc trên tuyến chính cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giảm từ 120km/h xuống còn 100km/h trong giai đoạn khai thác tạm và tiếp tục thi công. Đặc biệt, hạn chế tốc độ 80km/h tại các đoạn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long khắc phục các tồn tại trên trước ngày 28/4. Trong đó lưu ý nhất là hệ thống biển báo hiệu, hàng rào, vạch sơn; bố trí 4 xe bán tải để vừa thực hiện nhiệm vụ tuần đường, vừa chở công nhân thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên; bố trí 4 xe cứu hộ để thực hiện cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố trên cao tốc.

Tại các vị trí nút giao vào cao tốc bố trí các bốt trực gác với đầy đủ hệ thống cảnh báo để nhân công trực gác làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn; tổ chức trực gác 3 ca/ngày kể từ khi thông xe nhằm hướng dẫn và ngăn chặn xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe thô sơ và người đi bộ đi vào cao tốc.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài 99km nối hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Theo kế hoạch, sau lễ khánh thành vào sáng ngày 29/4, tuyến chính sẽ được đưa vào vận hành khai thác và chưa thu phí.

Các phương tiện sẽ ra vào tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại 3 nút giao gồm: Điểm đầu tuyến tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), nút giao với Quốc lộ 1A tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng nai) và điểm kết nối với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai).