Chiều 23/8, tại cuộc họp bàn giải pháp ngăn chặn hành vi chiếu đèn laser uy hiếp an toàn bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, thời gian qua theo phản ánh của phi công một số hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines… xuất hiện tình trạng sử dụng đèn chiếu laser vào buồng lái khi tàu bay đang hạ/cất cánh làm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất với 15 vụ trong năm 2014, 11 vụ trong năm 2015 và 12 vụ từ đầu năm 2016 đến nay.
Hành vi chiếu đèn laze uy hiếp an toàn bay tại sân bay Tân Sơn Nhất
“Hành vi đèn chiếu ánh sáng laser vào buồng lái khi tàu bay đang hoạt động trong giai đoạn hạ/cất cánh rất nguy hiểm cho hoạt động bay, ảnh hưởng trực tiếp việc kiểm soát tàu bay của phi công và uy hiếp an toàn của tàu bay.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay hàng không dân dụng, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm tái diễn, trong các năm qua, Cảng vụ hàng không miền Nam đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp với địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống trong khu vực giáp ranh, khu vực trọng điểm liên quan trục đường hạ/cất cánh của tàu bay hoạt động tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất chấp hành các qui định của pháp luật, bảo đảm an toàn hàng không (nhất là an toàn tĩnh không), tuyệt đối không sử dụng đèn chiếu laser, đèn chiếu sáng công suất cao lên trời”, ông Trần Doãn Mậu cho biết thêm.
Cảng vụ Hàng không miền Nam kiến nghị Công an Tp. Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo công an các quận/huyện có đường bay bay qua thường xuyên tổ chức tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh từ Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và các tổ chức, cá nhân về hành vi chiếu đèn laser, thả diều, vật thể bay và các hành vi khác làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng không.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các vụ chiếu tia laser vừa qua được phát hiện là do người dân vô tình chứ không cố ý; vì vậy cần tăng cường công tác tuyên truyền tại các khu dân cư, các trường học để người dân hiểu những nguy hiểm của việc chiếu các đèn laser lên không trung gây uy hiếp an toàn bay.
Đại diện UBND quận Thủ Đức cho biết, quận đã thông báo đến các phường nằm trên khu vực đường cất hạ cánh không được thả diều, các điểm văn hóa không chiếu tia laser; các lễ hội của quận cũng không chiếu đèn công suất lớn.
Theo ông Trần Doãn Mậu, Cảng vụ Hàng không miền Nam sẽ sử dụng bản đồ tĩnh không để phát đến địa bàn các phường xã nằm trên khu vực đường cất hạ cánh. Đồng thời lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin trao đổi giữa Cảng vụ hàng không miền Nam với công an các địa phương. Khi phi công báo có tình trạng chiếu tia laser và cung cấp tọa độ chính xác, Cảng vụ sẽ báo cho công an địa phương đó để nhanh chóng đến ghi nhận hiện trường và có biện pháp xử lý.
Theo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, các vụ chiếu đèn laser thường xảy ở khu vực loa tĩnh không hai đầu đường hạ/cất cánh sân bay Tân Sơn Nhất thuộc địa bàn 6 quận gồm Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Thời điểm xảy ra các hành vi chiếu đèn laser là từ 19h30 về khuya. Đặc biệt, một số phi công hãng hàng không nước ngoài còn phản ánh khi tàu bay hạ thấp độ cao khoảng 4500 feet (khoảng 1.300 m) để vào khu vực phễu bay tiếp cận đường cất/hạ cánh Tân Sơn Nhất thì bị đèn laser chiếu vào buồng lái phi công, vị trí xảy ra hiện tượng này cách đầu đường hạ cất cánh 25R sân bay Tân Sơn Nhất từ 20 - 25 dặm (khoảng 40 - 45 km), khu vực này có thể nằm trên địa phận của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Ngoài ra, phi công còn phản ánh về trường hợp người dân thả diều (4 trường hợp), dự án chung cư cao tầng có cần cẩu vi phạm tĩnh không (1 trường hợp), sử dụng tàu bay mô hình ở độ cao 400 feet (1 trường hợp). |