Kiều bào đề xuất xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh

(VOH) - Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần 3 đi vào thảo luận các chuyên đề ngay trong ngày khai mạc 12/11/2016. Có 4 chuyên đề đó là các vấn đề đặt ra của TPHCM : quy hoạch đô thị, khoa học - công nghệ, thương mại – dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực.

Với chuyên đề quy hoạch đô thị theo đề dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư mang nội dung “Kiều bào với các vấn đề phát triển bền vững của TPHCM” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Các  kiều bào dự hội nghị Việt Kiều 2016.  Ảnh Vũ Sơn

Giáo sư Hoàng Dương Tuấn – Việt kiều Úc, Giáo sư Đại học Sydney cho rằng, việc quy hoạch thành phố thông minh không hề đơn giản, phải tính toán ưu tiên đầu tư dự án thông minh trong lĩnh vực nào?

Rất nhiều dự án mang tính bề nổi, kết cục là đa số dân chúng phải trả chi phí ngày càng cao cho những dịch vụ mà họ không cần! “Thứ cần thông minh thì chưa có mà nhiều thứ thông minh thì dân không cần!” ông Tuấn nói.

“Theo kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới, các dự án nghiên cứu và lập kế hoạch xây dựng thành phố thông minh dễ bị các hãng công nghệ điều khiển, chủ yếu giúp họ bán công cụ và thiết bị. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhiều nghiên cứu trao đổi để biến những ứng dụng thông minh thành công cụ thật sự, giúp xã hội phát triển bền vững"- Giáo sư Tuấn khẳng định !

Giáo sư Nguyễn Đức Khương–Việt kiều Pháp, Phó Giám đốc hợp tác quốc tế và nghiên cứu, Trưởng Khoa Kinh tế Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh Paris đánh giá, TPHCM hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành đô thị thông minh trong tương lai không xa. Trong đó, các yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế phải ràng buộc lẫn nhau. Đặc biệt, con người trong thành phố thông minh phải có môi trường để phát triển năng lực, ý thức cá nhân.

Thành phố phát triển bền vững là một thành phố được thiết kế để con người sống hòa thiện với thiên nhiên, có một môi trường phát triển được cá nhân, phát triển được nghề nghiệp của bản thân, đóng góp có ích vào các công trình phúc lợi xã hội và làm sao để tất cả chủ thể trong xã hội tham gia vào, cùng chia sẻ thách thức và khó khăn của thành phố, Giáo sư  Khương cho biết

Với tham luận “TPHCM đã sẵn sàng để dẫn đầu”, Giáo sư Nguyễn Đỗ Dũng – Việt kiều Singapore, chuyên gia quy hoạch đô thị đề xuất, TPHCM nên học hỏi mô hình phát triển “thành phố mở” như Dubai, đó là: mở rộng cửa giao thương, thấu hiểu và tôn trọng đa văn hóa, có cơ chế khuyến khích sáng tạo, nhấn mạnh đầu tư vào tri thức và cộng đồng số. “Phải có tầm nhìn xây dựng TPHCM trở thành đô thị dẫn đầu. Tầm nhìn đó là có chính quyền mở, dữ liệu mở, thị trưởng mở,  đô thị mở  và chúng ta là cửa ngỏ của  thềm lục địa Đông Nam Á được kết nối toàn cầu.”

Vấn đề quy hoạch đô thị cũng nhận được sự quan tâm của ông Nguyễn Kim Đan - kiều bào Pháp, Giáo sư Đại học Paris Est. Giáo sư Đan cho rằng, TP đã làm tốt công tác khơi thông dòng chảy, xây mới và mở rộng hệ thống cống thoát nước từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên về căn cơ, TP phải giải quyết ngập bằng cách sử dụng các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo; xử lý theo nhiều mức: nơi nào có thể chống ngập hoàn toàn, nơi nào chỉ có thể chống ngập trong một thời gian nhất định, nơi nào không thể chống ngập.

“Chúng ta không thể chống ngập bằng mọi giá, nên cách tiếp cận khôn ngoan nhất là quản lý rủi ro ngập lụt để giảm thiểu thấp nhất tổn thất do ngập lụt. Trong quản lý rủi ro ngập lụt chúng ta phải tìm cách đánh giá mức độ rủi ro ngập lụt bằng biện pháp công trình và phi công trình. 

Nên có sự tham gia của người dân trong đưa thông tin về ngập lụt, người dân có thể sử dụng smartphone báo về sở chỉ huy mức độ ngập lụt và sở chỉ huy sẽ nhập thông tin này, điều chỉnh lại mô hình dự báo cho chính xác".

Thành phố thông minh với ứng dụng công nghệ Smartphone.