Kiều bào góp ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở TPHCM

(VOH) - Sáng 19/10, Hội nghị “Kiều bào góp ý với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM” đã được tổ chức.

Hội nghị do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM tổ chức.

Phải làm nông nghiệp 4.0

Các chuyên gia, doanh nghiệp kiều bào bằng hoạt động thực tế, chia sẻ cũng như góp ý cho sự phát triển của ngành nông nghiệp thành phố, trong đó tập trung vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật Bản, lấy ví dụ về hợp tác với Nhật Bản: “Tôi sang Nhật Bản thấy họ rất quý mến Việt Nam và họ xác định Việt Nam là đối tác chiến lược lâu dài. Đây là cơ hội rất lớn, nếu chúng ta có chính sách đúng có thái độ tốt, có bước đi cụ thể thì họ sẽ hợp tác. Qua đó giúp cho nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp công nghệ cao có bước phát triển nhảy vọt”.

Hội nghị “Kiều bào góp ý với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM” 

Cũng nhìn nhận phát triển nông nghiệp theo xu hướng hiện đại, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada cho rằng nông nghiệp nên tập trung theo hướng nông nghiệp 4.0, là xây dựng cả một chuỗi giá trị nông nghiệp từ vật tư đầu vào, phương pháp canh tác, chế biến, phân phối tiêu thụ phải có chuỗi thông minh hơn. Ngoài ra, phải ứng dụng internet of things, cơ sở dữ liệu lớn và giống phân bón phải chính xác hơn, có chất lượng cao hơn, sử dụng vi sinh nhiều hơn.

Trong sản xuất nông nghiệp nói riêng hiện nay, sự liên kết giữa các bên theo chuỗi giá trị rất quan trọng, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật Bản cho rằng nhà nông không thể làm nông nghiệp theo truyền thống, tức là phải học nhiều. Nhà nước không phải chỉ đưa ra chủ trương mà cũng phải sáp vào làm, tức là có các cán bộ hiểu biết rõ về nông nghiệp công nghệ cao, phải biết về thị trường, phải biết về nhu cầu của thế giới để chọn cái gì làm, làm cái gì và làm thế nào. Điều đó không phải là đơn giản. Các nhà khoa học phải nghiên cứu liên tục bởi nông nghệp công nghệ cao là nghiên cứu rất nhiều.

Biết điểm mạnh sẽ thắng

Là kiều bào Canada, ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Công ty  Nông nghiệp và Công nghệ cao U.S. FARM, có nghiên cứu, chế biến những sản phẩm chất lượng từ nấm linh chi Việt Nam, nấm bào ngư. Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chế biến tiện lợi cho tiêu dùng là hướng đi của đơn vị.

“Nấm linh chi là một trong những loại dược thảo tốt nhất trên thế giới. So nấm linh chi Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan - sau khi thí nghiệm cho thấy nấm linh chi của Việt Nam hàm lượng, chất lượng tốt nhất. Vì thế sẽ chế ra được nhiều, chẳng hạn như cao linh chi, cà phê linh chi, rượu linh chi, sâm linh chi, rồi còn làm nước tương linh chi và nước mắn từ nấm bào ngư” – ông Lâm cho hay.

Tại TPHCM, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị được Thành ủy, UBND TP hết sức quan tâm, trong đó tập trung đẩy mạnh đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nhằm hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố theo Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ X giai đoạn 2015 – 2020.

TP đang kêu gọi xây dựng, phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP nói: “Thông qua đầu mối của các kiều bào chúng ta sẽ có giống tốt, chuyên gia giỏi, công nghệ mới để tạo điều kiện cho anh em đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài về lĩnh vực này. Ngoài ra, cũng mong kiều bào quan tâm đầu tư vào công nghệ mới để sản xuất hiệu quả cao hơn”.

Bên cạnh những đơn vị đang đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất, TP tiếp tục kêu gọi đầu tư vào ngành thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, sau thu hoạch, trong đó kiều bào có thể đầu tư trực tiếp hoặc chia sẻ kinh nghiệm, làm cầu nối để thực hiện chuỗi gia trị, xuất khẩu nông sản công nghệ cao, chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao...

Bình luận