Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ bầu chức danh Tổng thư ký Quốc hội

(VOH) - Sáng ngày 20/10, tại toà nhà Quốc hội, kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ tiến hành phiên khai mạc. Phiên họp này được Đài truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi.

 Toàn cảnh buổi khai mạc kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII - Ảnh VTV.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ làm việc trong 31 ngày, cụ thể phiên khai mạc của kỳ họp sẽ diễn ra vào sáng mai 20/10 và phiên bế mạc vào ngày 28/11.

Theo đó, Quốc hội sẽ dành hơn 19 ngày thảo luận về công tác xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 dự án Luật, cho ý kiến lần đầu 8 dự án Luật và thông qua 3 dự thảo Nghị quyết,...Quốc hội sẽ có 9 ngày để góp ý đóng góp cho các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; kế hoạch đầu tư công năm 2016; Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; Chính phủ báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015,...

Trao đổi về những vấn đề còn có nhiều ý kiến băn khoăn về công tác lập pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, khẳng định: “Trong quá trình làm Luật thì Quốc hội sẽ cố gắng giải quyết những tồn đọng, tồn tại mà các dự Luật còn có ý kiến khác nhau. Ví dụ như Bộ Luật dân sự; Bộ Luật hình sự,... Chúng ta không vì số lượng mà phải vì chất lượng của Luật để Quốc hội sẽ tiến hành việc thông qua hay chưa thông qua”.

Cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kết hợp với xem xét báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Nói về điểm mới trong công tác chất vấn của kỳ họp lần này, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: “Tại kỳ họp này có nội dung liên quan đến chất vấn có đổi mới, khác so với các kỳ họp trước. Đó là sẽ chất vấn lại các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay,… Ngoài báo cáo của Chính phủ thì Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; báo cáo của Toàn án nhân dân Tối cao; báo cáo của Ban Dân nguyện về việc thực hiện nhiệm vụ của Viện, của Tòa và thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri”.

Cũng theo Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì ngoài những nội dung xuyên suốt đã xây dựng, điểm mới và đặc biệt là kỳ họp thứ 10 lần này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Tổng thư ký Quốc hội và để tiến tới bầu cử Quốc hội khóa 14 và bầu cử HĐND các cấp trong năm 2016, kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ bầu Hội đồng bầu cử Trung ương (dự kiến từ 15 đến 21 thành viên).

Ngoài ra, kỳ họp này, Quốc hội dành 1 ngày để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nửa ngày để thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.