Cần quy định rõ chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra

(VOH) - Đây là ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam góp ý về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại ngày làm việc 25/10.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quan tâm đến vấn đề kết luận thanh tra với kiểm toán nhà nước khác nhau, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào? Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận. Như vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.

Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng quan tâm về vấn đề xử lý chồng chéo và cho rằng đây là vấn đề cần thiết, làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị thanh tra. Vì thực tiễn những đơn vị sản xuất kinh doanh khi có đoàn thanh tra vào, thì các đối tác kỳ hợp đồng rất dè dặt và khó khăn. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào chất lượng của các đoàn thanh tra, các cấp thanh tra. Nếu quy định như vậy không khéo thì sẽ trở thành cấp bảo lãnh cho các đơn vị đó.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh quan tâm cho ý kiến về vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục; Thanh tra Cục thuộc Tổng cục. Theo ông Mạnh, tại Điều 18, đã quy định về việc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục là hoàn toàn phù hợp. Việc quy định như vậy sẽ giúp tạo thuận lợi cho thanh tra ngành bao phủ phát huy hiệu quả hoạt động; việc thành lập ko làm phát sinh bộ máy, biên chế mới; việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra Tổng cục, Cục đã được Dự thảo Luật quy định rõ cơ chế kiểm soát, hạn chế chồng chéo nhất định.

Xem thêm: Luật giao dịch điện tử cần tương thích với các điều ước quốc tế

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến tranh luận, còn 5 đại biểu chưa phát biểu vì hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, báo cáo Quốc hội. 

Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.

Chiều 25/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

*VOH Online sẽ tiếp tục cập nhật tại đây.