Ký ức hào hùng về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

(VOH) - Sáng 13/01, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM tổ chức giao lưu gặp gỡ những nhân vật từng sống, chiến đấu trong những ngày chiến dịch Mậu Thân nổ ra năm 1968.

Họ là một phần của lịch sử cuộc chiến giữ nước, từ nhiều góc độ: là chiến sỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến, là cô giao liên, nữ dân công hỏa tuyến, là người dân thầm lặng góp sức mình vào cuộc nổi dậy ngay tại thành đô Sài Gòn 50 năm trước; là nhà ngoại giao - trong cuộc đối thoại với bạn bè Quốc tế.

Hôm nay họ trở về mang theo ký ức hào hùng, những tấm gương hy sinh. Có quá nhiều những cảm xúc, những giọt nước mắt đã đưa mọi người trở về với ký ức trong khoảng thời gian của 50 năm trước, các cô các chú đã từng sống, từng chiến đấu.

Bà Chín Nghĩa, người đã có những giây phút chứng kiến đánh vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) là khoảnh khắc mà bà không bao giờ quên được.

"Những khoảnh khắc mà tôi ghi nhớ nhất là thế hệ trẻ luôn yêu hòa bình. Đó là động lực để tuổi trẻ chúng tôi lúc đó dù bất cứ nhiệm vụ nào, với lực lượng chúng tôi lúc đó chỉ có 15 người nhưng chúng tôi tin rằng Đảng, Nhà nước tin cậy mới giao cho nhiệm vụ thì dù địch có gấp ngàn lần thì với sự quyết tâm, lòng yêu nước của tuổi trẻ là trên hết nên bất chấp những lực lượng cao hơn, vũ khí gấp ngàn lần, nhưng lòng quyết tâm đó chúng tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ dù phải hy sinh”, bà Nghĩa nói.

Bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước vui mừng gặp lại các cựu nữ quân nhân.

Trong cảm xúc dâng trào của những đồng đội, những thế hệ gặp nhau, cho dù có những đồng đội đã không còn và những đồng đội vẫn còn hiện diện ngày hôm nay, bà Hồng Quân là một cựu quân nhân của những năm 1968 nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi thật xúc động được gặp nhiều anh chị em, đồng đội khác đơn vị. Qua hình ảnh tư liệu tôi thấy càng nhắc nhở mình là thương binh hạng 1, người lính cụ Hồ trở về với đời thường phải sống xứng đáng với quá khứ, đồng đội và sống xứng đáng với những người đã ngã xuống cho hôm nay mình được sống trong hòa bình, bình yên”.

Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa tại Guinea năm 1968.

Ông Vũ Hắc Bồng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa tại Guinea, năm 1968, là một nhà ngoại giao kỳ cựu, thời điểm chiến dịch Mậu Thân, ông có những đóng góp không nhỏ trên mặt trận ngoại giao, với nghệ thuật vừa đánh vừa đàm, đã đạt đến đỉnh cao của chiến tranh nhân dân.

Ông cho Vũ Hắc Bồng cho biết sự kiện 1968 chúng tôi cho đây là cái bom nguyên tử về chính trị, tâm lý và xã hội. Cuộc tấn công diễn ra đồng loạt, phát triển sâu rộng. Tất cả các thành phố lớn đều nổi dậy và kéo dài 4 đến 5 tháng. Đây là trận tấn công hàng loạt chứ không phải trận đánh du kích hay biệt động. Vấn đề là không có thương lượng mà bây giờ là thương lượng không điều kiện. Điều này làm trái ngược lại một cái gì đó có chấn động ghê gớm. Và sau đó phong trào phản chiến nổi lên một bước ngoặt lớn là binh sỹ và gia đình binh sỹ của Mỹ, ném luôn cả huân chương, danh dự, thì chúng tôi cho đây là điều không thể chấp nhận được.

Tại buổi giao lưu bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ nữ TPHCM nhấn mạnh, những hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, chưa bao giờ là vô nghĩa, và qua thời gian đã trở thành di sản của các thế hệ, để mỗi người dân Việt Nam nhìn lại để trân trọng quá khứ, cảm phục ý chí và bản lĩnh tuyệt vời của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại. “Chúng tôi rất xúc động, xin trân trọng tri ân, cám ơn tất cả những thế hệ đi trước đã cho chúng tôi một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay”, bà Ngọc Bích nhấn mạnh.

Nửa thế kỷ - Một mùa xuân. 50 năm đã qua nhưng tinh thần, ý chí và niềm tin tất thắng của cuộc nổi dậy và tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên vẹn giá trị và là một thành quả cách mạng có ý nghĩa lớn lao trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bình luận