Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM nói rằng có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian vừa qua, song doanh nghiệp chỉ mới dễ thở hơn, chứ chưa dám nói phục hồi hay phát triển.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang chật vật, bà Lý Kim Chi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất cho vay.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện cho nhiều ý kiến của doanh nghiệp trên địa bàn, chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng kiến nghị giảm thêm lãi suất cho vay.
Theo ông, hầu hết doanh nghiệp phản ánh mặt bằng lãi suất có giảm, nhưng trung bình vẫn còn cao ở mức 10%. "Các doanh nghiệp đều mong muốn lãi suất giảm xuống còn 7 - 8%/năm và mong có các giải pháp về vốn, tín dụng, kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ xấu đối với các trường hợp khó khăn", ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết tháng 4 vừa qua, kinh tế TP đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ năm ngoái, số vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm 23,45%.
Dự báo các tháng còn lại, kinh tế TPHCM tiếp tục đối mặt khó khăn thách thức, doanh nghiệp thành lập mới gặp khó khăn, đầu tư gặp khó khăn trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận lãi suất chưa được như mong muốn của người đi vay, nhưng bà kỳ vọng doanh nghiệp thấu hiểu hơn với ngành ngân hàng.
Điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng không phải chỉ giải quyết một vấn đề duy nhất là lãi suất. Đó là vừa phải tăng trưởng tín dụng, ổn định tỉ giá, giảm lãi suất...nên NHNN phải theo dõi sát sao, cân nhắc phối hợp các chính sách để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
"Qua ý kiến phản ánh của địa phương, thời gian tới NHNN sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm thêm lãi suất điều hành. Các NH cũng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", bà Hồng khẳng định.