Chờ...

Làm rõ việc quản lý, bảo vệ các công trình lưỡng dụng

VOH - Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị thống nhất các lực lượng của các địa phương khi thực hiện phân công tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự. Trên cơ sở đó, các cấp của chính quyền địa phương mới có cơ sở phân công các lực lượng phối hợp tham gia bảo vệ, đảm bảo đúng đối tượng, chức năng, nhiệm vụ.

Cơ quan trình dự án luật cũng cần rà soát đối chiếu với các dự án khác để tránh chồng chéo khi luật có hiệu lực thi hành, đảm bảo tuổi thọ của luật.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan trình nghiên cứu Điều 12 dự thảo luật quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự có liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, trong khi đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến thông qua, vì vậy cần nghiên cứu quy định nội dung này đảm bảo đồng bộ với các quy định liên quan.

Làm rõ việc quản lý, bảo vệ các công trình lưỡng dụng 1
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tán thành và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát ý kiến đại biểu Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nghiên cứu thêm về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về công trình lưỡng dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu để xem xét trong tình trạng chiến tranh có thể chuyển công trình dân sự thành công trình quân sự. Đề nghị bổ sung hành vi bị cấm đối với hành vi trục lợi khi chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng sang khu quân sự, nhất là khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Tranh luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc cho rằng, trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Việc cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Làm rõ việc quản lý, bảo vệ các công trình lưỡng dụng 2
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu cho rằng là công trình lưỡng dụng thì trước hết, phải quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nếu là tài sản của Nhà nước và pháp luật liên quan khác.

Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng thì cần có thêm những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ.

Về quy định hạn chế hoạt động của người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhằm bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho rằng, quy định tại khoản 9 Điều 18 chưa hợp lý.

Vì hiện nay hệ thống ăng ten quân sự của bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, ban chỉ huy quân sự các huyện, quận, thành phố, thị xã đều nằm trong trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, huyện, quận, thành phố, thị xã, có nhiều nơi sát với tường rào của bộ chỉ huy, ban chỉ huy quân sự có đường giao thông đi lại.

Đại biểu đề nghị cần xem xét quy định trên, giảm giới hạn khoảng cách trên hoặc quy định căn cứ khác để giới hạn hoặc quy định cụ thể những hoạt động nào người nước ngoài không được thực hiện trong phạm vi trong 500 mét, chứ không thể quy định chung là cấm tất cả hoạt động đi lại.