Chờ...

Làm thế nào để các chương trình mục tiêu Quốc gia đạt hiệu quả cao và không bị chồng chéo…?

(VOH) - Góp ý cho chương trình mục tiêu Quốc gia 5 năm (2011-2015), trong phiên làm việc tại hội trường sáng nay 8/11, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều tỏ ra không “yên tâm” trước một số vấn đề còn tồn tại.

Đánh giá về 12 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010, nhiều đại biểu nhìn nhận: Dù các chương trình mục tiêu quốc gia đã thúc đẩy phát triển xã hội nhưng hiệu quả nhỏ, trong đó có 6 chương trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2001-2005. Như vậy, quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả mong muốn, giải ngân vốn chưa cao, dự án nhỏ nên khó bố trí vốn. Chương trình ở địa phương nhiều nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng vì thường bố trí theo chương trình của bộ, ngành.

Ảnh minh họa.

Đại biểu Danh Út tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Trong quá trình thẩm tra báo cáo về chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy nhiều chương trình, dự án thành phần trùng lắp, trùng với chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Đại biểu ví dụ, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong đó có mục tiêu tăng cường thiết chế văn hóa, thể thao cho vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo. Vì sao việc này không thể đưa về địa phương, phải chăng nếu không đưa vào chương trình thì địa phương sẽ không bố trí đúng chỗ nguồn vốn. Góp ý về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, đại biểu Danh Út đề nghị:

 

Cũng cùng trăn trở như ĐB Danh Út, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận thấy, các chương trình thực hiện còn thiếu sự gắn kết, hầu như mỗi chương trình là sự hoạt động riêng lẻ của các bộ, ngành địa phương. Nhiều chương trình đã được thực hiện ở các địa phương còn sử dụng nguồn vốn lãng phí, không có tính bền vững, còn mang tính trùng lặp, hiệu quả thấp… dù “chúng ta đã đổ một lượng tiền lớn vào các chương trình này”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hùng góp ý:

 

Các đại biểu đề nghị, cần “bóc tách” chi tiết, những mục tiêu nhiệm vụ mà địa phương có thể đảm nhiệm thì phân về để tránh trùng lắp, kinh phí không phải phân bổ cho cả Trung ương và địa phương đối với cùng 1 nhiệm vụ. Việc phân cấp mạnh hơn thì trách nhiệm từng địa phương sẽ được nâng lên. Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, cần chi cho đầu tư phát triển nhiều hơn nữa chứ không phải tập trung quá nhiều cho chi thường xuyên (chiếm tới 79%) như hiện nay ở các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Góp ý vào việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015, các đại biểu nhìn nhận có nhiều yếu tố mới, khả thi, phù hợp với cơ cấu kinh tế hiệu quả, chất lượng. Nhiều dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ không có hiệu quả trước mắt, mà lâu dài. Nên nâng được hiệu quả dự án này thì hiệu quả xã hội sẽ rất cao. Tuy nhiên để việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn tới được hiệu quả, cũng như đảm bảo cho việc tính toán và công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô theo đúng thông lệ quốc tế, nhiều đại biểu đã đề xuất Quốc hội sớm thông qua việc đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt - ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn mang tính dàn trải nên chưa đạt hiệu quả mong muốn và do vậy góp phần đẩy lạm phát lên cao. Nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách triển khai chậm tiến độ do thiếu vốn đang gây lãng phí cho đầu tư. Trong khi đó 5 năm tới đây, sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư được dự báo sẽ rất lớn. Vì vậy, vốn trái phiếu Chính phủ cần ưu tiên cho một số chương trình trọng điểm, cho các dự án cần hoàn thành trong năm 2012 phục vụ ngay cho đời sống dân sinh. Đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng:

 
ĐB Phương Thị Thanh.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phương Thị Thanh - ĐBQH tỉnh Bắc Cạn, bổ sung: Mỗi năm, Chính phủ phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và đưa vào lưu thông. Tuy nhiên, khi tính toán chỉ số lạm phát, khoản vốn trái phiếu này lại không được tính đến. Vì vậy, cùng với việc sớm sửa đổi Luật Ngân sách để đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách, Quốc hội cần kiểm soát tất cả các nguồn thu, các khoản chi, không chỉ là khuôn khổ ngân sách nhà nước mà cả các khoản tiền ngoài ngân sách nhà nước... đại biểu Phương Thị Thanh đề nghị:

Về phân bổ sử dụng trái phiếu Chính phủ 2011-2015, các đại biểu thống nhất một phần trả nợ cho các dự án hoàn thành, còn đối với những dự án đã khởi công dự kiến hoàn thành thì cần phải nêu rõ tiêu chí đã hoàn thành 70% khối lượng công việc mới được cấp vốn đầy đủ. Các đại biểu cũng kiến nghị, những công trình trái phiếu Chính phủ chỉ nên thực hiện trong thời gian dưới 5 năm chứ không nên quá 10 năm vì nếu kéo dài sẽ chênh lệch giá cả, khó giám sát hiệu quả.

Quan điểm của nhiều đại biểu cho rằng: Việc không đưa trái phiếu Chính phủ vào cân đối trong ngân sách nhà nước hàng năm sẽ dẫn đến tình trạng chạy chọt theo kiểu xin - cho. Để chấm dứt tình trạng này, Quốc hội cần ra một Nghị quyết để việc thực hiện các dự án có vốn từ trái phiếu Chính phủ được nghiêm túc hơn.

* Trước đó cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết và thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Trong phiên làm việc tại tổ chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận và cho ý kiến với 2 dự án luật là Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Dự án Luật giá.