Lần đầu tiên tất cả các thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn

(VOH) - Trong tuần qua, Quốc hội tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng.

Nghị trường trở nên sôi động hơn khi Quốc hội dành ra hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo cách thức mới, đó là không chốt danh sách các thành viên Chính phủ, cũng không theo nhóm vấn đề. Phiên làm việc đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.

Qua hai ngày rưỡi chất vấn, đã có 54 lượt đại biểu phát biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn, khoảng 140 câu hỏi đối với các bộ trưởng, trưởng ngành. Có 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời chất vấn và phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: SGGP

Nhiều vấn đề nóng đã được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn đặt ra như vấn đề phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; chiến lược phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, biện pháp quản lý và xử lý những người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tính giá viện phí, quản lý giá thuốc, bảo hiểm y tế, tình hình phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, trên lĩnh vực kinh tế là vấn đề cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước, nợ công...

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng là điểm nóng của phiên chất vấn tuần qua, các ý kiến chủ yếu xoay quanh những vấn đề dư luận đang quan tâm, như quá trình cải cách giáo dục đưa môn lịch sử từ độc lập sang tích hợp với các môn học khác, kỳ thi tốt nghiệp PTTH tạo nhiều áp lực, gây tốn kém cho xã hội, hoạt động tuyển sinh chưa khắc phục được tình trạng thừa thầy thiếu thợ,…

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho hay, dù tích hợp, môn lịch sử không hề bị coi nhẹ, trái lại còn được xem trọng hơn so với chương trình hiện hành. Theo đó, nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử đều tăng lên. Còn nội dung lịch sử giữ nước tích hợp với lịch sử quốc phòng là nhằm tránh trùng lắp. Ngoài phần giáo dục công dân với tổ quốc, nội dung lịch sử còn được gắn với các môn học khác như văn học, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật,… Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình cụ thể:

Phần chất vấn được dư luận quan tâm và nhắc nhiều trong tuần qua là khi Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch đứng trước câu hỏi của đại biểu là tại sao đất nước có tiềm năng du lịch mà ngành “công nghiệp không khói” phát triển chậm? Chậm hơn cả bạn Lào và Campuchia? Ông đã trả lời: “Tôi nhớ phiên chất vấn tại kỳ họp trước, Chủ tịch Quốc hội hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tôi bỏ ngỏ. Tôi để lại cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này. Tôi không dám trả lời”.

Kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh xin chịu trách nhiệm về những yếu kém của ngành Du lịch, nhưng “cái trách nhiệm này của chúng tôi sẽ truyền lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Vì thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ?”. Sau câu trả lời, cả hội trường Diên Hồng vang tiếng cười ồ của các đại biểu Quốc hội.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm và trực tiếp trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung phân tích làm rõ tình hình kinh tế xã hội của đất nước và khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm nay.

Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%, đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội ngay từ ngày đầu năm 2016. Ngoài ra, Thủ tướng cũng trả lời chất vấn của các đại biểu về nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện; về triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc vì sự Phát triển bền vững; về nội dung giảm nghèo đa chiều; về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tranh chấp chủ quyền, diễn biến phức tạp trên biển Đông và mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn Thủ tướng chính phủ. Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nêu rõ: lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước ta rõ ràng nhất quán, cơ bản là phù hợp, đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn không ít khó khăn và thách thức. Chúng ta phải kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo hiệu quả các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:

Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ việc Quốc hội thực hiện việc giám sát đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề là hoạt động đổi mới của Quốc hội. Qua chất vấn cho thấy, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội đã bám sát tình hình thực tế, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, được cử tri đánh giá cao. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia đầy đủ của các thành viên chính phủ, cũng là cách thức để thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kết luận:

Để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, làm cơ sở để Quốc hội khóa 14 giám sát việc thực hiện, ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Quốc hội cho ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Kết thúc hai ngày rưỡi tiến hành hoạt động chất vấn, đại biểu quốc hội và cử tri cả nước đánh giá cao phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình kinh tế xã hội, về phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, các đại biểu và cử tri chưa hài lòng với phần trả lời của một số bộ trưởng, trưởng ngành khi còn lòng vòng chưa đi ngay vào bản chất của vấn đề.

Ngoài nội dung vừa nêu, trong tuần qua, Quốc hội cũng thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; thảo luận và cho ý kiến đối với dự án Luật đấu giá tài sản; nghe tờ trình và thảo luận ở tổ về dự án Luật dược (sửa đổi) và dự án Luật về hội; thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); thảo luận về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạng và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật kế toán (sửa đổi).

Hôm nay (22/11), Quốc hội nghỉ, ngày mai Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 10 với nhiều nội dung quan trọng. Mở đầu tuần làm việc này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật thống kê (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).