Tại Tọa đàm "Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL) và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông" tổ chức ở Cần Thơ ngày 19/12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo: trung bình mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 500ha đất do sạt lở bờ sông.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở này là do khai thác nước ngầm quá mức và việc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn, đặc biệt là việc khai thác cát sông ngày càng tăng.
Trong 3 năm từ 2018-2020, sạt lở đã gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau.
Mới đây nhất vào ngày 5/12 vừa qua, vụ sạt lở dài khoảng 350m, rộng khoảng 160m trên sông Cổ Chiên ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đã làm mất 4,1ha đất, khiến 22 hộ dân với 109 nhân khẩu bị ảnh hưởng, có 12 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông.
Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Quản lý cát bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, khối lượng cát đổ về ĐBSCL từ 6,18-7 triệu tấn/năm và khoảng 6,5 triệu tấn cát đổ ra Biển Đông.
Trong khi đó, lượng cát được khai thác từ các con sông ở khu vực này là từ 28-40 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa, mỗi năm, ĐBSCL đang bị thâm hụt một lượng cát từ 27,5-39,5 triệu tấn.
Việc khai thác cát không bền vững đang tác động không nhỏ đến hình thái của hai dòng sông chính ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu.
Thời gian qua, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam đã triển khai Dự án quản lý Cát bền vững - thực hiện từ tháng 7/2019-5/2024 - nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế-xã hội do biến đổi khí hậu ở Ðồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành các hoạt động khảo sát đo đạc trên hiện trường của hai gói công việc chính là gói "Ngân hàng cát" và gói "Kế hoạch Duy trì hình thái sông", kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng 3/2023 tới.
Dự án cũng xây dựng “Ngân hàng cát” cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó sẽ đưa ra các cảnh báo “đỏ” về những địa điểm không được khai thác cát do sạt lở nghiêm trọng và khu vực được khai thác với khối lượng cụ thể.