Lệch giờ, lệch ca ở TPHCM: cần giải pháp đồng bộ

(VOH) - Giải pháp lệch ca, lệch giờ dù góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông nhưng cần phải được thực hiện đồng bộ với những  giải pháp khác.

Tại hội thảo chuyên đề "Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ của ngành giáo dục trên địa bàn thành phố từ năm học 2006-2007 đến nay" do Sở Giáo dục & Đào tạo, Viện nghiên cứu phát triển thành phố và Sở Giao thông vận tải phối hợp tổ chức vào sáng 5/10, phần lớn các đại biểu đều nhận định đề án lệch ca, lệch giờ dù góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông nhưng cần phải được thực hiện đồng bộ với những giải pháp khác.

Hội thảo chuyên đề "Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ của ngành giáo dục trên địa bàn thành phố".

Thống kê của Sở Giao thông vận tải, đến tháng 8/2017 thành phố có trên 8 triệu phương tiện giao thông. Trong đó có trên 650.000 xe ô tô và hơn 7 triệu xe mô tô, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với khoảng hàng triệu xe các tỉnh lưu thông ra vào hàng ngày, áp lực lưu thông trên địa bàn thành phố rất lớn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hành trình đưa đón con đi học và đi làm của phụ huynh góp phần làm cho tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên.

Đề án lệch ca, lệch giờ của ngành giáo dục bắt đầu thực hiện từ năm 2007, với mức điều chỉnh giờ vào học và giờ ra về chênh lệch khoảng 15 phút giữa các cấp học. Ngoài việc phối hợp với công an quận huyện, lực lượng dân quân tự vệ, các trường còn mở cửa cho phụ huynh vào sân trường hoặc bố trí địa điểm để phụ huynh chờ đón con em.

Ngoài ra, giữa các trường trên cùng tuyến đường thường kẹt xe cũng đã họp lại thống nhất điều chỉnh lệch giờ giữa các trường, các khối lớp để hạn chế thấp nhất tình trạnh ùn tắc.

Cụ thể tại quận 5 như cụm các trường THCS Hồng Bàng, THPT Hùng Vương nằm cùng tuyến đường với các bệnh viện lớn như Hùng Vương, Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Đại học Y dược... nhờ điều chỉnh lệch giờ đã góp phần hạn chế ùn tắc.

Ông Nguyễn Văn Gia Thuỵ, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục & Đào tạo cho rằng: việc điều chỉnh lệch ca, lệch giờ đã giảm rất rõ ùn tắc giao thông. Vào giờ cao điểm.chỉ ùn ứ ở cổng trường khoảng 15 phút so với trước đây. Hầu như các trường đều có sự vào cuộc của ban giám hiệu; bện cạnh còn có công an phường, dân quân tự vệ.

Tuy nhiên, theo ông Dương Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, 70% lưu lượng xe đi lại trong ngày là của khối lao động tự do. Vì vậy, nếu điều chỉnh lệch ca lệch giờ của tất cả các khối ngành còn lại cũng chỉ tác động đến 30%  lưu lượng giao thông trên đường.

Các nguyên nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông là do phương tiện giao thông tăng nhanh, ý thức phụ huynh còn hạn chế, căn tin các trường, bệnh viện chưa đáp ứng tốt nhu cầu về chất lượng giá cả nên hàng rong vẫn phát triển gây cản trở giao thông...

Do đó, ông Tân đề nghị cần tiếp tục giữ phương án như hiện nay, chú trọng tăng cường giải pháp giảm ùn tắc trước cổng trường. 

Để giảm bớt tình trạng kẹt xe, các đại biểu đưa ra các kiến nghị như: nâng chất dịch vụ xe đưa rước học sinh để phụ huynh có thể an tâm chọn lựa cho con em, thiết kế các "vịnh" giao thông để phụ huynh có khoảng dừng chờ. Tuy nhiên về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ như: quy chế giãn dân, tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm, tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ giao thông, xây dựng các trường có chất lượng tốt tại các quận huyện để học sinh không phải di chuyển xa...

Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng các giải pháp để giải quyết vấn đề trật tự giao thông thành phố thì lệch giờ, lệch ca là một trong các giải pháp, phải gắn liền với các giải pháp còn lại.

“Đối tượng chúng ta điều chỉnh là phụ huynh học sinh, đi sớm thì được rồi, nhưng rước sớm thì ai rước. Điều này lại ảnh hưởng qua mặt khác. Hay giảm ùn tắc trước cổng trường nhưng lại ùn tắc ở gần đó. Đây là vấn đề cần có các giải pháp tầm nhìn chiến lược tổng thể thì mới đồng bộ"  Ông Lê Hoài Trung nói.