Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm

(VOH) - Chỉ tính riêng trong ngày 18/4 đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 5 học sinh tử nạn.

Báo SGGP dẫn tin từ lãnh đạo TP Cam Ranh (Khánh Hòa) mới đây cho biết, chiều 18-4, một nhóm 8 học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh) đến bãi biển Bãi Dài vui chơi.

Sau đó, 4 em học sinh trong nhóm này xuống tắm biển thì bị sóng cuốn ra xa và bị đuối nước.

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm
Ảnh minh họa: Pexels 

Cơ quan chức năng đã xác định danh tính các nạn nhân bao gồm: Nguyễn Thanh S., Nguyễn Trường H., Trương Hùng Nhất D. (cùng trú phường Cam Phúc Bắc) và Lê Cao Thành L. (trú phường Cam Nghĩa).

Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng địa phương khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân bị nước cuốn và đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, các nạn nhân không qua khỏi.

Sau vụ việc thương tâm xảy ra, chính quyền địa phương đã đến động viên, chia sẻ nỗi mất mát với gia đình các nạn nhân.

Chính quyền địa phương cho hay, biển Bãi Dài có một số khu vực thường xuất hiện sóng lớn tạo thành những dòng xoáy rất nguy hiểm, người tắm biển rất dễ bị nước cuốn.

Trong khi đó, TTO dẫn báo cáo từ Phòng GD-ĐT huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, khoảng 15 giờ ngày 18/4, em Lương Mạnh Tuấn - học sinh lớp 7 Trường THCS Hạnh Thiết, huyện Quỳ Châu cùng hai em L.B.K. và H.N.A. (cả hai em này cùng học Trường tiểu học Châu Hạnh 2) rủ nhau đi tắm tại khu vực Luộc Lâu thuộc sông Hiếu.

Trong lúc tắm, em K. và em A. bị sẩy chân xuống hố nước sâu. Thấy vậy, em Tuấn đã bơi ra cứu hai em nhỏ. Sau khi đẩy được hai em nhỏ vào nơi an toàn, Tuấn kiệt sức và bị nước cuốn đi.

Nghe tiếng các em hô hoán, một người đàn ông gần đó đã chạy ra và lặn vớt được Tuấn. Tuy nhiên, do ngạt nước quá lâu nên em đã tử vong.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tình trạng đuối nước ở trẻ lớn được ghi nhận nhiều vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, mùa mưa lũ…

Nguyên nhân là cha mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu (CPR).

Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, mương, máng, biển, sông, ngòi, hố nước của các công trình, hố trồng cao su hoặc dụng cụ chứa nước (thùng, lu, chậu, bồn tắm,…).

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:

1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...

2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)

5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).

9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.