Liên tiếp xảy ra tai nạn đuối nước, gần 10 trường hợp tử vong

(VOH) - Chỉ sau 3 ngày nghỉ lễ, tính đến ngày 2/5, đã có gần 10 trường hợp tử vong hoặc mất tích do đuối nước ở nhiều địa phương.

Nhiều trường hợp tử vong do đuối nước

Đắk Lắk

Chiều 2/5, thông tin từ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, (xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhà trường đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ việc mai táng đối với gia đình hai học sinh tử vong do đuối nước vào ngày 1/5.

Theo thông tin ban đầu, hai học sinh bị đuối nước là em N.H đang học lớp 3 và em T.Q.A.T học lớp 5, cùng là học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 1/5, hai xem xin phép gia đình đi chơi cùng nhau.

Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, không thấy hai em đâu nên gia đình đi tìm thì phát hiện cả hai em đã tử vong dưới hồ nước gần nhà (thuộc địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).

Bình Phước

Đến tối 2/5, lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước vẫn tích cực tìm kiếm 1 trường hợp được cho là đuối nước mất tích tại lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ thuộc địa bàn thôn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Cháu bé đuối nước mất tích được xác định tên P.Đ.T - 8 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, học sinh lớp 3, trường tiểu học Đức Liễu.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 14g cùng ngày, cháu P.Đ.T cùng 2 bạn nhỏ trong xóm, trốn mẹ ra khu vực lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ tắm. Trong lúc đang tắm, cháu  P.Đ.T không may trượt chân, chìm xuống hồ sâu hơn 3m mất tích. Thấy bạn bị đuối nước, 2 bạn nhỏ đi cùng hoảng loạn chạy về nhà kêu cứu. Nhận được tin báo, lực lượng cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước điều động lực lượng nhanh chóng triển khai tìm kiếm, trục vớt cháu bé. Tuy nhiên, do lòng hồ sâu, rộng, nên vẫn chưa tìm thấy cháu T.

Liên tục xảy ra tai nạn đuối nước trong các ngày nghỉ lễ 1
Đến 18g30 ngày 2/5, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy cháu bé - Ảnh: LĐO

Bình Thuận

Cũng trong chiều ngày 2/5, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận vẫn phối hợp cùng gia đình tìm kiếm em T.V.D. - học lớp 7 một trường THCS tại TP Phan Thiết - bị lọt xuống kênh nước, mất tích từ chiều 1/5. Được biết, em D. cùng nhóm bạn đến chơi tại bờ kênh nước Bến Lội, TP Phan Thiết thì xảy ra vụ việc. Nhóm bạn còn lại phát hiện, tri hô mọi người đến cứu giúp nhưng không kịp.

Trước đó, chiều ngày 1/5, cũng tại Bình Thuận đã có 2 em nhỏ (5 và 6 tuổi) tử vong trong một ao chứa nước tưới thanh long gần nhà.

Đồng Tháp

Theo Tuổi Trẻ Online, sáng 2/5, bà Trương Thị Thu Thạnh, phó chủ tịch UBND xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết chiều 1/5, em N.T.V. (11 tuổi, ngụ xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) đi tắm tại cồn Long Khánh cùng cậu, dì (không có cha mẹ theo). Trước đó em có mặc áo phao và tắm trong phạm vi giăng phao cảnh báo của bãi tắm. Tuy nhiên, "Khoảng 20 phút sau khi người nhà phát hiện không thấy em trong khu vực tắm nữa, bắt đầu tìm kiếm và báo cho đội cứu hộ của xã hỗ trợ. Khi tìm thấy thì nạn nhân không mặc áo phao, không biết nguyên nhân do em tự cởi bỏ áo hay do áo bị sứt móc.

Nạn nhân được tìm thấy ngoài khu vực phao cảnh báo nguy hiểm, cách bờ khoảng 30m. Mặc dù đội cứu hộ đã tích cực cấp cứu tại chỗ và được chuyển ngay lên tuyến trên, nhưng do nạn nhân chìm lâu quá nên không cứu được", bà Thạnh nói.  

Liên tục xảy ra tai nạn đuối nước trong các ngày nghỉ lễ 2
Nạn nhân được tìm thấy cách bờ 30m, bên ngoài khu vực phao cảnh báo nguy hiểm - Ảnh: TTO

Bình Định

Còn tại vùng biển phường Tam Quan Bắc (Bình Định), cũng vừa xảy ra tai nạn đuối nước khiến 2 thanh niên tử vong và 1 người còn mất tích. 

Ông Phạm Trương, bí thư Thị ủy - chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, chiều 1/5, anh N.B. (24 tuổi, ở khu phố Tài Lương 3, phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn) cùng hai thiếu niên trong khu phố là các em S. (16 tuổi), K. (14 tuổi) rủ nhau đến biển Tam Quan Bắc chơi và tắm biển. Do biển có sóng lớn, nhiều dòng chảy xoáy nên 3 người bị sóng cuốn đuối nước. Chiều tối ngày 1/5, thi thể hai em S., K. đã được tìm thấy, bàn giao cho gia đình lo hậu sự, còn anh B. vẫn mất tích. Hiện, các lực lượng chức năng của địa phương và gia đình đang tiếp tục tìm kiếm anh N.B.

Qua các sự việc trên, có thể thấy liên tục các ngày qua, số tai nạn do đuối nước có chiều hướng tăng ở mức đáng ngại. Một phần nguyên nhân có thể do sự chủ quan của các nạn nhân khi chưa lường được các tính huống bất ngờ xảy ra. Ngoài ra, một số trường hợp các em học sinh nhỏ tuối, có thể do chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước nên dễ rơi vào nguy hiểm.

Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.

Thống kê thấy có khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước. Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô. Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

Nguyên nhân đuối nước

- Do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước.

- Do môi trường có những yếu tố nguy cơ như:

  • Sông, hồ, suối, ao…không có biển cảnh báo nguy hiểm.
  • Mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên.
  • Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.

Cách phòng tránh tai nạn đuối nước

Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:

- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

- Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.

- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

- Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.

- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).

- Đối với người lớn, khi bơi/ tắm ở khu vực sông, hồ, biển cần lưu ý về tốc độ dòng chảy, cấp sóng và tránh xa các khu vực được cấp cờ/ biền báo nguy hiểm.

Trên đây là hướng dẫn các kỹ năng cơ bản nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước. để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho con em chúng ta và những người thân trong gia đình.

Bình luận