Loay hoay với tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè

(VOH) - Dọc theo các tuyến đường vào buổi tối, nhiều vỉa hè trở nên bát nháo với cảnh mua bán, chèo kéo. Các tuyến đường Nguyễn Trãi, Q.5; Lê Văn Sĩ, Q.3; Quang Trung, Q.Gò Vấp, hầu như không còn một lối đi nào dành cho người đi bộ, khi người và xe chen chúc đậu trên vỉa hè, có nơi xe còn tràn xuống cả lòng đường. Không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, việc buôn bán tràn lan trên vỉa hè càng khiến tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng.

 Mũ nón được bày bán xuống lòng đường Nguyễn Trãi P3,Q5.

Ngã 3 Quang Trung- Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, là điểm nóng ùn tắc giao thông. Vào giờ tan tầm, cũng là lúc người người bày bán la liệt các mặt hàng, đồ chơi trẻ em, đồ gốm sứ, hoa vải, quần áo, đồ gia dụng…ở ngay phía trước Nhà thờ và trước chợ Hạnh Thông Tây. Trước những món hàng bày tràn lan khắp vỉa hè, nhiều người đi đường vô tư dừng xe ở ngay trên lòng đường để chọn mua hàng, khiến thời gian kẹt xe ở khu vực này kéo dài hàng giờ. Ngoài ra, khu vực đường Nguyễn Trãi, Q.5 kéo dài từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ đến Lê Hồng Phong cũng khá nhộn nhịp, bởi hai bên vỉa hè bày bán quần áo, giày dép, túi xách đủ loại. Nhiều người bán còn đẩy xe quần áo qua lại 2 bên đường gây cản trở giao thông và làm náo loạn cả một tuyến đường. Chị Phạm Thị Kiều Oanh, thường lưu thông qua khu vực này bức xúc:

Nhiều quận đã có kế hoạch điều chỉnh việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trở nên bối rối trong công tác quản lý cũng như trong xử phạt đối với nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Việc xử phạt lại không thống nhất giữa các quận có chung một tuyến đường. Cũng là hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường nhưng có nơi phạt 1 triệu đồng, có nơi phạt lên đến 20 triệu đồng. Lý giải về điều này, bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM cho biết:



Đang trong thời điểm giao mùa nhưng không khí mua sắm về đêm ở các tuyến đường vẫn luôn nhộn nhịp, nhất là khu vực vỉa hè. Bởi lẽ, những trung tâm thương mại như Parkson, Diamond, Thương xá Tax…là nơi chỉ dành cho những người có thu nhập cao, có khả năng mua sắm những mặt hàng cao cấp. Còn lại đa số người dân TP là những người lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, ban ngày bận đi làm, ban đêm mới có thời gian rảnh mà đi mua sắm. Vì thế, các gian hàng bày bán trên vỉa hè, nhất là bán vào buổi tối là sự lựa chọn lý tưởng, do giá cả phù hợp với túi tiền, mà chất lượng hàng hóa cũng ở mức chấp nhận được. Chị Lê Thị Trúc Diễm, một người dân đi mua sắm ở các gian hàng vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, Q.5 nói:

Theo quy luật cung cầu, đáp ứng được nhu cầu mua hàng giá rẻ, nên trên vỉa hè đã tràn ngập các loại hàng hóa, từ quần áo, giày dép cho đến túi xách, thắt lưng...Dù biết buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là sai phạm, thế nhưng với đa số những người lao động nghèo, đây là nơi mưu sinh cho cuộc sống thường ngày. Hơn nữa, nếu không bày bán trên vỉa hè, họ không tìm được địa điểm nào thích hợp, vì không đủ tiền thuê sạp bán ở chợ.

Thiết nghĩ, giữ được nét mỹ quan đô thị cần có một cơ chế phù hợp để tạo việc làm cho người lao động vốn sống nhờ vào việc buôn bán trên vỉa hè. Bên cạnh việc xử phạt những hành vi buôn bán lấn chiếm vỉa hè, có thể hình thành các khu chợ đêm để người nghèo có địa điểm tập trung buôn bán, hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đây cũng sẽ là những địa điểm có thể thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm về đêm.

Bình luận