Cụ thể, mực nước sông Bưởi tại Kim Tân đạt 11,38m, trên báo động 2 là 0,38m và đang tiếp tục tăng. Lũ sông Cả tại Con Cuông đang ở mức 28,62m, dưới báo động 2 là 0,38m và vẫn tiếp tục dâng cao.
Ngoài ra, lũ trên các sông Mã, sông Chu và sông Lam cũng đang có xu hướng tăng, nhiều nơi đã đạt mức báo động 2 và báo động 3.
Tại sông Mã, mực nước tại Hồi Xuân là 62,08m, trên báo động 2 là 0,08m, đang giảm nhẹ. Trong khi đó, tại Cẩm Thủy, mực nước đạt 20,26m, trên báo động 3 là 0,06m và tiếp tục tăng. Lũ trên sông Chu tại Bái Thượng đạt mức 18,46m, vượt báo động 3 là 0,46m.
Tại khu vực Bắc Bộ, mực nước các sông đang ở dưới mức báo động 1. Tuy nhiên, sông Đáy tại Phủ Lý (Hà Nam) đã đạt 3,96m, chỉ còn cách báo động 3 0,04m và đang tiếp tục tăng. Một số sông khác như sông Bùi và sông Tích đã vượt mức báo động 3, gây lo ngại về nguy cơ ngập lụt.
Tính đến nay, do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3, đã có 768 sự cố đê điều được ghi nhận tại 15 tỉnh/thành phố. Đặc biệt, 417 sự cố đã xảy ra trên các tuyến đê cấp III trở lên. Nhiều hồ chứa thủy lợi tại khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây khó khăn cho công tác phòng chống lũ.
Đến sáng 23/9, lũ đã khiến 3 người thiệt mạng do bị cuốn trôi tại Nghệ An. Hơn 260 căn nhà tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam bị hư hỏng, tốc mái. Nhiều diện tích lúa, hoa màu và thủy sản của các tỉnh bị ngập úng, thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, tình trạng ngập lụt cục bộ đã làm gián đoạn giao thông tại nhiều khu vực trũng, thấp.
Hiện tại, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ đang tích cực triển khai phương án ứng phó với mưa lớn và lũ lụt, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.