Lũ thấp và về chậm, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL

PGS TS Lê Anh Tuấn, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho biết, tình trạng lũ về chậm sẽ kéo theo tình hình xâm nhập mặn khốc liệt.

Lũ thấp và về chậm khiến xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm "Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu nước-Thiếu tiền" do Báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Mình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang vào chiều 4/10.

Với diện tích khoảng 4 triệu ha, Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp 20% GDP cả nước. Hiện nông nghiệp và thủy sản là hai "trụ cột" kinh tế chính của vùng và liên quan mật thiết tới con nước.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm nước lũ tràn về không chỉ cho nhiều đặc sản cá tôm, mà còn chứa một lượng lớn phù sa màu mỡ bồi đắp cho vùng đồng bằng trù phú này.

Những năm gần đây, tình hình hạn hán cộng với các đập thủy điện tăng trữ nước ở các quốc gia thượng nguồn đã khiến tình trạng khô kiệt diễn ra gay gắt ở Thái Lan và Campuchia.

Mực nước trên sông Mekong tại các trạm như Chiang Sean (biên giới Lào-Trung Quốc), Luang Prabang, Vientiane và Pakse phía Nam Lào… đều thấp hơn rất xa so với cùng kỳ năm khô hạn 1992.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn - chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ cho biết, tình trạng lũ về chậm, lũ thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long kéo theo sẽ là tình hình xâm nhập mặn khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nhiều người dân sống phụ thuộc vào con nước đã phải bỏ xứ ra đi để mưu sinh hoặc phải chuyển đổi nghề.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia nhận xét, thời gian qua, các cấp ngành trung ương và nhiều địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó tình hình lũ về chậm, lũ thấp và xâm nhập mặn có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đạt hiệu thì cần lắng nghe khuyến cáo của chuyên gia, nhà quản lý ngay từ lúc này.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long lưu ý, hiện các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong khiến thời tiết vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở nên cực đoan hơn. Những năm bình thường, thủy điện làm giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn cho vùng Đông bằng sông Cửu Long; những năm cao lũ, thuỷ điện xả lũ, gây lũ chồng lũ; còn những năm khô hạn, thuỷ điện tích nước, làm chậm đường đi của nước xuống khu vực hạ lưu.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long lý giải nguyên nhân ngập đô thị tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. (Ảnh: TTXVN)

Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, đến năm 2020 tác động của các đập thủy điện trên thường nguồn sông Mekong sẽ làm giảm lượng phù sa và lượng cát sông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long, khiến khu vực đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng - ông Thiện dự báo.

Lý giải về hiện tượng mặc dù không mưa nhưng các đô thị trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục ngập nặng thời gian qua, ông Thiện cho rằng, tình trạng này không phải do “mùa nước nổi” mà do con nước ròng 30/8 âm lịch đụng với nước lũ cuối mùa; nước biển dâng 3mm/năm; sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra nhanh gấp 3-4 lần, có nơi diễn ra nhanh gấp 10 lần khiến nước biển dâng và sông ngoài trong vùng đang mất đi không gian vốn có. Các yếu tố này gây ngập nặng trong các khu vực đô thị.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, ngập đô thị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lặp lại hàng năm vào dịp con nước ròng 30/8 âm lịch hay rằm tháng 9 âm lịch, năm sau sẽ ngập sâu và lâu hơn năm trước. Để chống ngập đô thị cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong khu vực này cần tập trung thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Triển khai nạo vét kênh mương nội đồng bằng nguồn vốn thủy lợi phí tại xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 120 là các tỉnh, thành trong khu vực phải tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mekong.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các tỉnh, thành trong vùng cần giảm trồng lúa 3 vụ để phục hồi không gian hấp thụ lũ; phục hồi sông ngoài để giảm sử dụng nước ngầm và phục hồi không gian cho dòng sông..

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng dự báo diễn biến khí hậu đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới để các tỉnh, thành trong vùng có kịch bản chuẩn bị ứng phó kịp thời; đồng thời, tư vấn cho nông dân chọn những mô hình sản xuất, nuôi trồng phù hợp với thời tiết để cho năng suất tốt.

Theo chuyên gia kinh tế - tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên chọn những mô hình sản xuất lúa, nuôi trồng hiệu quả, cho thu nhập cao và phải phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Nhiều mô hình đã được nông dân một số vùng lũ thấp ứng dụng thành công những năm qua.

Đồng hành cùng nông dân trong khu vực, Agribank cũng đưa ra những chính sách ưu đãi về lãi suất, những mô hình cho vay hiệu quả phù hợp với biến đổi khí hậu để người dân tham khảo và vay vốn như: cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ thấu chi đối với khách hàng cá nhân góp phần hạn chế tín dụng đen; cho vay lãi suất thấp đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank đã cho các hộ nông dân vay phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp với số dư nợ hiện gần 100.000 tỷ đồng.

Bình luận