Cụ thể, đến 21 giờ cùng ngày, mực nước tại các sông này đã vượt qua mức báo động, đe dọa gây ngập lụt tại nhiều khu vực trũng thấp và ven sông.
Đặc biệt, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nội, mực nước lũ tiếp tục tăng lên, gây ra nhiều lo ngại về tình trạng sạt lở, ngập lụt ở các vùng ven sông.
Mực nước trên sông Cầu tại Đáp Cầu đã lên tới 7,52m, vượt báo động 3 tới 1,22m, trong khi đó sông Thương tại Phủ Lạng Thương ghi nhận mực nước 7,21m, trên báo động 3 là 0,91m. Sông Thái Bình tại Phả Lại cũng ghi nhận mực nước 6,13m, vượt báo động 3 là 0,13m.
Tại sông Hồng ở Hà Nội, mực nước đã đạt 11,24m, chỉ còn cách báo động 3 khoảng 0,26m. Dự báo trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Hồng sẽ tiếp tục dâng cao, tiệm cận hoặc vượt mức báo động 3. Điều này có thể gây ra ngập lụt tại các khu vực bãi bồi và vùng ven sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân ở các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình và Ninh Bình.
Mặc dù lũ trên sông Thao và sông Lô đang có dấu hiệu giảm, mực nước tại nhiều trạm vẫn duy trì ở mức báo động 3, đặc biệt là tại các khu vực như Yên Bái, Phú Thọ và Tuyên Quang. Tại Vụ Quang (Phú Thọ), mực nước lũ đã đạt đỉnh 21,21m, vượt mức báo động 3 khoảng 0,71m, nhưng hiện đang có xu hướng giảm nhẹ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cảnh báo trong những ngày tới, mực nước trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình sẽ tiếp tục dâng cao, gây nguy cơ ngập lụt diện rộng ở các vùng trũng thấp và đe dọa tràn vỡ các đê bối ven sông.
Người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng, đặc biệt là ở các tỉnh/thành phố như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Bình, được khuyến cáo theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo và chủ động các biện pháp phòng tránh ngập lụt và sạt lở.