Luật Giao dịch điện tử cần đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành

(VOH) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay 11/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định quan tâm tới tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các luật liên quan.

Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, dự thảo luật Giao dịch điện tử đang có xung đột với Luật công chứng. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 11 của dự thảo luật quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật công chứng. Trong khi Luật công chứng xác định tính hợp pháp, tính xác thực, vấn đề không trái đạo đức của các giao dịch, các hợp đồng là vấn đề mang tính chuyên môn rất cao phải có công chứng viên hoạt động trong tổ chức hành nghề công chứng và các yêu cầu khác…

Xem thêmHôm nay (11/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Luật Giao dịch điện tử cần đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành 1
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Liên quan đến Luật lưu trữ, tại khoản 2, Điều 15 của dự thảo luật này quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép thay thế việc lưu trữ các văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin dưới dạng văn bản giấy, văn bản giấy theo yêu cầu của pháp luật bằng việc lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật lưu trữ, theo đó tại kkoản 3, Điều 13 Luật Lưu trữ quy định, tài liệu được số hóa từ tài liệu lưu trữ trên các vật mang tên khác không có giá trị thay thế tài liệu đã được số hóa.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích của dự thảo luật với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo khoa học, thống nhất và toàn diện trong từng điều luật và giữa các điều luật với nhau. Lấy ví dụ cụ thể, đại biểu cho biết tại khoản 16 Điều 3 dự thảo luật quy định về xử lý dữ liệu, trong đó bao gồm hoạt động lưu trữ dữ liệu.

Tại khoản 13 của Điều 3 dự thảo luật lại quy định dữ liệu số là dữ liệu được lưu trữ, xử lý bằng phương tiện điện tử. Quy định như vậy là lặp lại, khái niệm xử lý đã bao gồm nội dung hoạt động lưu trữ ở trong đó. Để đảm bảo tính khoa học, thống nhất, đại biểu đề nghị sửa thành dữ liệu số là dữ liệu được xử lý bằng phương tiện điện tử.

Bình luận