Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng các nội dung chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế.
Với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch COVID -19 vừa qua cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…
Xem thêm: Hôm nay (24/10), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Đối với quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 13 của dự thảo, đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh diễn đạt lại thành: “Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thuốc chữa bệnh nhưng phải tự chịu trách nhiệm về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề”.
Cho ý kiến về trực khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 68, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể trực hậu cần bảo vệ có phải là trực chuyên môn trong y tế hay không, để tính phụ cấp cho các nhóm đối tượng này.
Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Đồng thời khái niệm “người bệnh” cần được thay thế bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ y tế” để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sĩ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận. Các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội thông qua.