Chờ...

Lùi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 1 năm, liệu an tâm về chất lượng?

(VOH) - Chiều 02/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường với nội dung về lùi thời điểm áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Theo Nghị quyết này, yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đến nay, tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập. Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng.

Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về nội dung này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: thực tế qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy, việc chuẩn bị cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm đúng lộ trình và tiến độ; trong khi đó, phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước, còn rất nhiều.

Từng chất vấn vấn đề này đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ở kỳ họp thứ 2, thứ 3 về vấn đề này, đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu đặt câu hỏi: liệu rằng thời gian đề nghị lùi lại chương trình đã chính thức hay chưa? Đây cũng chính là câu hỏi mà nhiều đại biểu khác cũng đặt ra trong phiên làm việc này?

Ngày 3/11, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nghe báo cáo Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Buổi chiều, quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Trong chương trình dự kiến trước đó, nội dung tờ trình của Chính phủ về Cơ chế, chính sách phát triển TPHCM sẽ được trình bày trước Quốc hội trong ngày làm việc này, tuy nhiên, do chưa chuẩn bị xong nên Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn lại trong các ngày làm việc tiếp theo.