Lúng túng tìm giải pháp kiểm soát

(VOH) - Những ngày vừa qua, câu chuyện về cách ứng xử “thiếu văn minh, thừa phản cảm” liên quan đến du khách Trung Quốc tại Đà Nẵng, Nha Trang và một số tỉnh miền Trung đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Nghiêm trọng hơn là việc hướng dẫn viên du lịch chui người Trung Quốc cố tình xuyên tạc về lịch sử, văn hóa Việt Nam,...

Từ một thị trường du lịch tiềm năng, giờ đây, sự tràn lan khách du lịch Trung Quốc tại các điểm du lịch trong cả nước cùng với sự tiếp tay của một số doanh nghiệp lữ hành nội địa khiến cho niềm vui vì sự phát triển của lượng khách này chưa bao lâu thì sự lo lắng đã bắt đầu gia tăng.

Nghe bài viết:

Một hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc (tay cầm tờ giấy) dẫn đoàn tham quan - Ảnh minh họa: TTO

Vừa mừng vừa lo

Chỉ tính riêng ở khu vực Đà Nẵng, trong một thời gian ngắn đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ việc thiếu văn minh, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam như đốt tiền Việt trong quán bar, đề nghị thanh toán bằng tiền Nhân dân tệ khi mua hàng, thô lỗ với người bán hàng rong,...

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, khách Trung Quốc luôn đứng đầu top 10 thị trường khách quốc tế đến địa phương này trong suốt 10 năm qua. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng trên 200.000 lượt khách Trung Quốc, tăng trên 150% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân, mỗi tuần có 54 chuyến bay từ 12 đường bay thường kỳ và thuê chuyến đến với TP.Đà Nẵng. Điều đáng nói là phần lớn các tour du lịch của khách Trung Quốc đến Đà Nẵng thường không thuê hướng dẫn viên tiếng Trung của Việt Nam hoặc có cũng chỉ là hình thức hòng qua mặt cơ quan kiểm tra ngành du lịch.

Anh Lê Trọng Nam cho biết, dù có ký hợp đồng thuê hướng dẫn viên, thì trong quá trình đi tour họ cũng tìm cách để hạn chế hướng dẫn viên Việt Nam rồi tự thuyết minh trên suốt tuyến. Không ít nội dung trong phần thuyết minh đó có thông tin xuyên tạc, bịa đặt và cố tình làm du khách hiểu sai về đất nước Việt Nam.

"Đa phần hướng dẫn viên Trung Quốc đến đây một là làm chui, hai là không có thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Nếu bây giờ mà các cơ quan chức năng không sớm đứng ra giải quyết việc này sớm hơn thì rất có thể sau đợt tới những địa bàn, nhà nghỉ, khách sạn, công ty lữ hành... tất cả đều sử dụng người Trung Quốc chứ không có dùng người Việt nữa", anh Nam nói.

Không riêng gì ở TP.Đà Nẵng, hiện nay, những câu chuyện rắc rối xung quanh du khách Trung Quốc cũng xảy ra ở Nha Trang và một số địa phương khác. Tính đến hết tháng 6, Khánh Hòa đón không dưới 200.000 lượt khách Trung Quốc. Tuy nhiên, do bán tour với giá thấp dưới ngưỡng cho phép nên hầu như các tour này đều không hợp đồng thuê thêm hướng dẫn viên tiếng Trung là người Việt Nam. Từ đó, dẫn tới thực trạng là chính người Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp lữ hành Việt điều hành, hướng dẫn tour. Chị Lê Thị Thanh Thủy, một hướng dẫn viên lâu năm, chuyên thị trường inbound của một công ty du lịch lớn ở Nha Trang chia sẻ: "Hướng dẫn viên Trung Quốc khi đến đây làm chui, tôi thấy họ xuyên tạc về lịch sử, xuyên tạc về văn hóa, xuyên tạc về biển đảo".

Sự tăng trưởng bất thường của thị trường khách du lịch Trung Quốc khiến 2 địa phương điển hình như Đà Nẵng và Khánh Hòa đang lúng túng tìm giải pháp để kiểm soát. Theo ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, mới đây, địa phương này đã phát hành hàng ngàn cuốn cẩm nang hướng dẫn các quy tắc ứng xử khi đi du lịch bằng tiếng Trung, để phát cho du khách Trung Quốc khi đi du lịch Đà Nẵng nhưng vẫn gặp một số khó khăn trước sự gia tăng quá lớn lượng du khách Trung Quốc.

"Với việc phát triển quá nhanh của một thị trường khách dẫn đến thực tế là điểm đến không đáp ứng được kịp thời, cơ sở hạ tầng, dịch vụ không theo kịp. Lượng khách thị trường này đến quá nhanh, nhanh hơn cả dự báo phát triển thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, và cả định hướng của sự phát triển. Cùng với đó, thiếu nguồn nhân lực để đáp ứng như hướng dẫn viên. Một trong những yếu tố để làm tốt hơn thị trường trong thời gian tới là làm sao hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động du lịch, hoạt động xuất nhập cảnh, để làm sao quản lý tốt luồng khách đến chứ không phải khi chúng ta không quản lý tốt thì chúng ta lại ngăn chặn", ông Cường cho biết.

Một du khách có hành vi vô văn hóa với người bán chuối ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Zing

Tăng cường quản lý, xử phạt 

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết: hiện cả tỉnh có 27 doanh nghiệp đón, phục vụ khách Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có cả các doanh nghiệp làm đại lý. Yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp này là không được sử dụng người Trung Quốc làm hướng dẫn viên du lịch. Thế nhưng, trên thực tế, các đơn vị du lịch do thiếu hướng dẫn viên biết tiếng Trung nên thường bỏ qua yêu cầu này.

"Những điểm tham quan chính, Sở cũng yêu cầu phải có hướng dẫn viên quốc tế được cấp thẻ mới được hướng dẫn khách du lịch quốc tế hoặc nếu không phải sử dụng thuyết minh viên tại điểm để thuyết minh về những nội dung cho đúng. Nhưng, trên thực tế, qua công tác kiểm tra cũng cho thấy một số đoàn, một số nơi có sử dụng một số hướng dẫn viên chưa được cấp thẻ, tới đây, Sở sẽ chỉ đạo kiểm tra nghiêm và xử lý cụ thể", bà Trúc cho biết. 

Luật Du lịch hiện cũng quy định rõ, hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách quốc tế phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. Quy định đã có nhưng việc xử lý lại gặp khó khăn. Do đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tới đây, việc xử lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành sẽ được siết chặt với sự tham gia, vào cuộc của nhiều ban ngành, bởi hoạt động du lịch là ngành kinh tế tổng thể. Ông Tuấn cho hay: "Có hai vấn đề mà chúng ta cần phải tập trung giải quyết. Thứ nhất là phải giải quyết và xử lý mạnh tay các đơn vị để cho những người nước ngoài, các công ty du lịch nước ngoài núp bóng hoạt động. Thứ hai, đòi hỏi sự vào cuộc, chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp; sự hỗ trợ của Bộ công an. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ công an chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, UBND các tỉnh/thành phố phối kết hợp với nhau thật chặt chẽ để xử lý dứt điểm tình trạng này".

Phát triển du lịch là cần thiết, nhưng không thể khai thác tài nguyên này một cách lãng phí, bán bằng mọi giá. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý du lịch làm việc nghiêm túc, xử phạt nghiêm khắc hơn, không dung túng những người làm sai để giữ gìn hình ảnh đẹp về du lịch Việt.

Để chấm dứt tình trạng du khách Trung Quốc ứng xử thiếu văn minh và hết sức phản cảm khi đi du lịch ở Việt Nam, rõ ràng những biện pháp như làm cẩm nang về bộ quy tắc ứng xử văn minh bằng tiếng Trung cho du khách từ thị trường này là hợp lý. Tuy nhiên, việc khắc phục những vi phạm như doanh nghiệp du lịch nước ngoài núp bóng các công ty, doanh nghiệp trong nước; tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài hành nghề chui ở Việt Nam, liệu có xử lý được tận gốc hay không?

(Còn tiếp)