028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Mang thai, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên
Bài 1: Khi tuổi vị thành niên muốn làm người lớn!

(VOH) – Tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên tại Việt Nam được đánh giá cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đáng lưu ý, theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thực trạng phá thai to ở tuổi vị thành niên đang trở nên phổ biến, chiếm hơn 10% trong tổng số ca phá thai và tập trung chủ yếu ở học sinh, sinh viên. Có nhiều lý do để dẫn đến thực tế đau lòng này và cũng cần nhiều hơn những giải pháp căn cơ cho một thực trạng tồn tại nhiều năm qua.
Thực trạng phá thai to ở tuổi vị thành niên đang trở nên phổ biến, chiếm hơn 10% trong tổng số ca phá thai và tập trung chủ yếu ở học sinh, sinh viên (ảnh minh họa: PLXH)

Về tâm lý - tình cảm, từ 10 tuổi đến 13 tuổi, hầu hết các em bắt đầu có ý nghĩ mình không còn là trẻ con và mong muốn người lớn dành sự tôn trọng như một người lớn thực thụ. Dù là con trai hay con gái, các em đều có những diễn biến tâm lý – tình cảm khá giống nhau. Đó là trí tò mò thôi thúc hành động vượt khỏi khuôn khổ, để khám phá, tìm tòi những điều mới mẻ và chứng minh với mọi người tôi đã là người lớn. Ở độ tuổi 15 trở đi, các em đặc biệt em gái dành nhiều quan tâm đến vóc dáng, những ưu nhược điểm trên cơ thể. Các em gái thường rất nhạy cảm về sự thay đổi trên cơ thể, bắt đầu so sánh với các bạn đồng trang lứa, đặc biệt hơn các em luôn ngấm ngầm thích khám phá về cơ quan sinh dục và các hành vi liên quan đến tình dục.

Chuyên gia tư vấn tâm lý - thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu phân tích "giai đoạn các trẻ dậy thì sớm hay muộn tùy thuộc vào mỗi trẻ. Có em thì 10 tuổi dậy thì, có em thì khoảng 14-15 tuổi mới dậy thì. Tuy nhiên, chúng ta có thể xét mặt bằng chung thì lứa tuổi từ 10-11, các em bắt đầu tò mò về giới tính, còn lứa tuổi từ 13-14 các em tò mò về tình dục. Tuổi tiểu học con trai với con gái không khác nhau là mấy, hai bên nó đều có mặt tiền phẳng lỳ như đường bay tân sơn nhất giống nhau, giọng nói thì bên nào cũng thảnh thót lảnh lót, nhưng mà đùng một cái bước vào trong tuổi dậy thì con trai giọng bị bể tiếng bị rè rè, con gái thì xuất hiện "đồi thông hai mộ"…Như vậy cơ thể các phát triển theo hai chiều hướng khác hẳn nhau cho nên các em không biết là đối phương và mình khác nhau như thế nào. Bên cạnh đó, hóc môn sinh lý ở tuổi dậy thì tiết ra làm cho đứa trẻ có những xung năng bên trong nhiều hơn và các em có những tò mò về đối tượng khác phái nhiều hơn".

Những thay đổi tâm sinh lý tuổi vị thành niên khiến các em muốn xây dựng thêm mối quan hệ bạn bè, nảy sinh tình cảm với bạn khác giới đồng trang lứa hoặc lớn hơn. Đây là giai đoạn dễ ngộ nhận trước những rung động tình cảm khác lạ và xem đó là tình yêu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cách giáo dục khá rập khuôn, cứng nhắc, trong giai đoạn nhạy cảm nhất cần được chia sẻ này, thì các em lại phải đón nhận sự cấm đoán hoặc thờ ơ từ người lớn. Thắc mắc, suy tư về tình cảm, tình yêu và thậm chí là tình dục lại bị gạt đi vì nhiều lý do hoặc trả lời qua loa cho xong chuyện. Cũng không ít trường hợp các em chỉ nhận được sự cáu gắt, la mắng từ cha mẹ như con nít ranh, mới tí tuổi đầu đã thắc mắc, yêu đương vớ vẩn.

Cô Kim Chi, mẹ của cậu con trai 15 tuổi, ngụ tại quận 1 thừa nhận: “Chúng nó bây giờ cũng khó hiểu lắm, mỗi đứa một kiểu. Mà nhìn chung bọn trẻ cũng ý thức được chuyện đó rất nhiều chứ không như ngày xưa. Tôi thấy bây giờ trẻ con yêu sớm thật, nhưng mà đây là những đứa trẻ sống tại thành phố có thể đọc trên mạng trên báo, chứ những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa thì sao mình biết. Nhưng nhìn chung những đứa trẻ rất tò mò và rất muốn biết".

Ở độ tuổi từ 17 đến 19 tuổi, cơ thể và chức năng sinh lý trong cơ thể gần như hoàn chỉnh. Về mặt tâm lý, các em có thể nói là chín chắn hơn trong suy nghĩ, hành động và từng bước nhận diện rõ ràng hơn trước, đặc biệt là ranh giới giữa tình yêu và tình bạn. Cũng vì lẽ đó, sự tìm hiểu về giới tính và khả năng tình dục lại càng mạnh mẽ hơn. Chuyên gia tư vấn tâm lý - thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu lý giải: “Do trẻ thấy cơ thể mình phổng phao quá nhanh và các em có ảo tưởng là mình đã lớn rồi, mình đã được quyền làm những chuyện "người lớn'. Và chính cái ảo tưởng đó cộng với sự thiếu thốn về kỹ năng phòng vệ, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng tránh thai ngoài ý muốn, kỹ năng ứng xử trong giới tính, thiếu về mặt tinh thần và kỹ năng sẽ khiến cho các em dễ đi đến những khám phá để lại những hậu quả nặng nề”.

Không tìm được sự thông cảm, giúp đỡ từ phía gia đình, các em tìm sự trợ giúp từ bạn bè, sách báo, tranh ảnh – internet. Thùy Dương, lớp 9 trường Hồng Bàng quận 5; Danh Nhân, 18 tuổi trường Trí Đức quận Tân Phú; và Anh Khoa, lớp 11 trường Bùi Thị Xuân đều có chung nhận xét học giáo dục giới tính 1-2 tiết đại khái cho xong, chứ không đi sâu, do đó muốn hiểu thêm về tâm sinh lý tuổi mới lớn thì chủ yếu lên mạng tìm".

Những thông tin trôi nổi ấy xấu có, tốt có nhưng với bộ lọc còn non nớt, các em không đủ sức thẩm định và chọn lựa. Trong khi đó, một số chương trình chính khóa ở nhà trường về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên chỉ dừng ở tính phong trào, vẫn là khái niệm mơ hồ ở mọi giai đoạn từ tiểu học đến trung học phổ thông. Thậm chí nhiều giáo viên tỏ ra dè dặt, lúng túng khi đề cập đến vấn đề khó nói này.

“Thực ra giáo dục giới tính cấp trên có đề nghị làm hội thảo nhưng trường dây dưa chưa làm. Bây giờ các em phát triển sớm, giáo dục giới tính cho các em rất cần thiết. Các em lớp 9 thì không có ngại vấn đề đó, các lớp nhỏ như 6,7,8 thì các em ngại. Còn lớp 9 các em mạnh dạn gặp riêng giáo viên hỏi”, Cô Nguyễn Bích Ngọc, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, trường Trung học cơ sở Ba Đình, quận 5, thông tin.

Thiếu cảm thông từ người lớn, thiếu thực tế từ việc giáo dục ở nhà trường, thêm vào đó là sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, xoay quanh các em tuổi vị thành niên là cả một thế giới đan xen giữa cấm đoán và cám dỗ. Muốn sớm chứng tỏ mình đã lớn, không ít em sẵn sàng bỏ qua những quy tắc, những dặn dò và hậu quả là lượng em gái tuổi vị thành niên mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng. Không thể đối mặt với áp lực gia đình, nhà trường, xã hội khi mang thai, nhiều em tìm cách giải quyết. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên ngày tăng và tỷ lệ thuận với nó là biến chứng vô sinh ngày càng lớn. Năm 2011, 18% là tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thì năm 2012 con số này nhảy lên 20% trong tổng số tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta. Đáng chú ý đây là số thống kê chính thống từ các bệnh viện nhà nước, còn với phòng khám tư nhân mọc lên như nấm, chẳng ai thống kê nổi. Phải nói gia đình, xã hội đang mang gánh nặng vì tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên và tương lai của của cả một thế hệ bị đe dọa.

Thanh Tuyền
;