Miền Trung ứng phó với mưa lũ diễn biến phức tạp sau bão số 15

(VOH) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 15, các tỉnh miền Trung có mưa to đến rất to kết hợp với xả lũ các hồ thủy điện, thủy lợi trong khu vực làm cho nhiều địa phương như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.. đã và đang ngập chìm trong lũ.
Bà con ở xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, tỉnh Bình Định) đã ba ngày thiếu lương thực và nước uống chờ hàng cứu trợ đến - Ảnh: Duy Thanh/TTO

Theo thống kê, tổng lượng mưa 3 ngày và đêm tính từ 19 giờ  ngày 12/11 đến 7 giờ ngày 16/11, lượng mưa từ 200 đến 300mm, tập trung chủ yếu vào ngày 15/11. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn 300mm như sau: Hải Tâm, Huế, Kim Long, Trà My, Tiên Phước, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Giang, An Chi, Vân Canh... có nơi mưa lớn gần 900mm trong vòng 3 ngày qua. 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa, chiều nay, lũ hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh; hạ lưu sông Ba sẽ đạt đỉnh vào sáng sớm mai. Đỉnh lũ tại Câu Lâu đạt mức 4,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Hội An đạt mức 2,7m, trên báo động 3: 0,7m… Lũ các sông khác từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Đến tối nay, nước trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Khánh Hòa xuống mức báo động 2 - báo động 3, riêng hạ lưu sông Vu Gia, sông Vệ và sông Kôn xuống mức báo động 3, có nơi còn trên báo động 3. Các sông ở Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên xuống mức báo động 1 - báo động 2. Do vậy, cần đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ven sông và tình trạng ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến trưa nay, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 18 người chết, mất tích. Cụ thể Quảng Ngãi 7 người, Bình Định 6 người, Quảng Nam 2 người, Phú Yên 1 người, Gia Lai 1 người. Hàng chục ngàn người dân phải di dời khẩn cấp và rất nhiều người đang cần sự cứu trợ của các cấp chính quyền địa phương. Đến sáng nay các tỉnh đã sơ tán, di dời nhân dân các vùng ven sông, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Bình Định

là địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt lũ này. Sáng nay, cầu Bản, dẫn vào cầu Tân An trên Quốc lộ 1A bị sập mố cầu, gây ách tắc tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Quốc lộ 19 nối Tây Nguyên với đồng bằng bị ngập sâu tại các khu vực Huỳnh Kim, Quý Sơn huyện Tây Sơn. Mưa lũ làm nhiều khu dân cư  ở các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn…. bị ngập sâu trong lũ. Thống kê sơ bộ của các địa phương, cả tỉnh đã có thêm 3 người ở TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng.  Tại Thừa Thiên Huế bị ngập tại 7 huyện, thành phố gồm Tp Huế, các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thụy, Phú Lộc. Quảng Ngãi bị ngập khu vực dọc sông Trà Khúc, Trà Câu, Thoa, Vệ tại 13 huyện, thành phố  làm một số khu vực bị chia cắt. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết:

Còn tại Phú Yên: bị ngập khu vực dọc bờ sông Cầu, Đồng Xa, Kỳ Lộ tại 3 huyện gồm các huyện Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân. Tại Gia Lai: bị ngập khu vực dọc sông Ba tại 3 huyện gồm các huyện An Khê, Kong Chro, Kbang. Hiện tại, lãnh đạo UBND một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để chỉ đạo đối phó với diễn biến của mưa, lũ phức tạp. Bình Định là địa phương bị thiệt hại rất lớn do mưa lũ gây ra. Rất nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt. Hệ thống giao thông bị ngập và người dân không còn cách nào khác là kêu cứu từ các cấp lãnh đạo.

Trước diễn biến phức tạp của lũ, lãnh đạo các tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tình hình phòng, chống mưa, lũ tại các huyện trọng điểm; trong ngày và đêm qua đã huy động lực lượng để tổ chức ứng cứu cho nhân dân vùng ngập lụt; phân công lực lượng tại các tuyến đường bị ngập, tràn để hướng dẫn người dân, phương tiện tham gia giao thông; chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa trên địa bàn. Tại tỉnh Quảng Ngãi, mọi công tác phòng chống lũ đang rất khẩn trương. Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi cùng các cấp chính quyền địa phương khẩn trương chỉ đạo các biện pháp ứng phó với lũ. Hiện nay, 5 đoàn lãnh đạo đến các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó với lũ. Ông Võ Văn Thưởng  nhấn mạnh về các biện pháp cứu hộ cứu nạn người dân. 

Tại Thừa Thiên Huế, công tác phòng chống lũ cũng đã được khẩn trương hơn. Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết:

Sáng nay, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - Phó trưởng Ban thường trực ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đến các tỉnh  Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để chỉ đạo đối phó với mưa, lũ. Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công An có công điện số 33 gửi  lãnh đạo công an các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây nguyên, các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ Công An chỉ đạo một số nội dung để ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa, lũ gây ra. Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng thường xuyên liên lạc với Trực ban các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đôn đốc việc thực hiện các công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đồng thời theo dõi chặt chẽ các diễn biến về mưa, mực nước sông, tình hình ngập lụt tại các địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời.